Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc dường như đã nới lỏng hạn chế về nuôi động vật hoang dã như nhím, cày hương và dúi, có thể dẫn đến rủi ro y tế công cộng cũng như đa dạng sinh học.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các cơ quan chính phủ Trung Quốc thúc đẩy chăn nuôi động vật hoang dã để giúp người nông dân làm giàu dễ dàng. Tờ Guardian (Anh) cho biết có khoảng 14 triệu người làm việc trong ngành chăn nuôi động vật hoang dã trước khi bị hạn chế vì COVID-19. Ngành này có giá trị ước tính 520 tỷ nhân dân tệ.
Nhưng Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc săn bắt, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã, cũng như tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm, sau khi các chuyên gia y tế công cộng cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ chuỗi cung ứng này.
Lệnh cấm áp dụng với gần 1.800 loài động vật có giá trị sinh thái, kinh tế và xã hội quan trọng, trong đó có nhím, gấu chó, cầy hương, lợn rừng và dúi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm vẫn đang nằm trong vùng xám bởi chính các nhà chức trách thừa nhận rằng quy định hiện hành không đủ rõ ràng.
Không lâu sau lệnh cấm, các trung tâm nhân giống động vật hoang dã trên khắp Trung Quốc nhận lệnh đóng cửa, cắt đứt nguồn thu nhập chính của hàng triệu nông dân. Tuy nhiên, nông dân Trung Quốc vẫn có thể nuôi nhốt một số lượng nhỏ động vật được miễn trừ bao gồm cáo bạc và gấu chó nếu họ có giấy phép được chính phủ phê duyệt.
Nhưng các chuyên gia nhận định với Guardian rằng những sửa đổi gần đây trong luật Bảo vệ Động vật hoang dã đã nới lỏng hạn chế với nuôi động vật hoang dã. Những thay đổi về quy định được coi tạo ra để hồi sinh ngành kinh doanh động vật hoang dã.
Ông Zhou Jinfeng tại Quỹ Phát triển xanh và Bảo tồn đa dạng sinh học chia sẻ với Guardian: “Đừng quên rằng đã có ba đợt bùng phát lớn do virus Corona gây ra kể từ đầu thế kỷ 21: SARS, MERS và COVID. Những đợt bùng phát này được cho là có liên quan với động vật hoang dã. Chúng ta nên rút ra bài học và đưa ra các chính sách hướng dẫn người lao động trong ngành tìm giải pháp thay thế”.
Nhà nghiên cứu Ran Jingcheng tại Đại học Quý Châu (Trung Quốc) nhấn mạnh ông phản đối tiêu thụ thịt động vật hoang dã nhưng cho rằng không khoa học khi coi động vật nuôi nhốt giống như đồng loại của chúng trong tự nhiên.
Tuy nhiên, Giáo sư Diana Bell tại Đại học East Anglia (Anh) lại phản đối điều này. Bà Bell lập luận rằng nhiều động vật hoang dã được nuôi nhốt thực chất được bắt từ tự nhiên, do vậy nếu không xử lý được vấn đề này, vẫn có rủi ro lớn với đa dạng sinh học ở châu Á.