Trong suốt gần 3 tháng, con cá voi lưng gù Moon đã hoàn thành hành trình dài 5.000 km từ vùng biển British Columbia đến Hawaii.
Con cái voi lưng gù cái trưởng thành được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 7.9 tại vùng biển ngoài khơi British Columbia của Canada với phần dưới cơ thể bị uốn cong hình chữ S. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị bay không người lái để quan sát và xác định con vật bị gãy cột sống, có thể do va chạm với tàu thuyền.
“Đó là một trong những khoảnh khắc đau lòng khi chúng tôi phát hiện ra Moon. Không phải nó bị cong vẹo cột sống hay có điều gì bất ngờ xảy ra mà bị một thứ gì đó khá mạnh va phải. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy trong cuộc đời nghiên cứu của mình”, Janie Wray, Giám đốc điều hành và điều tra viên chính của BC Whales, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về cá voi, cho biết.
Việc con cá voi lưng gù Moon băng qua Thái Bình Dương và khả năng nó sẽ sớm chết là một lời nhắc nhở rõ ràng về những mối nguy mà loài này phải đối mặt. Theo các nhà nghiên cứu, ngày càng có nhiều cá voi sinh sống dọc theo bờ biển phía đông của Canada gặp nguy hiểm khi những con tàu liên tục va chạm với những sinh vật biển khổng lồ hiền lành.
Tổ chức Cá voi Thái Bình Dương cho biết vào đầu tháng 12, Moon đã đến vùng biển ngoài khơi đảo Maui ở Hawaii, nơi cách xa địa điểm phát hiện ban đầu gần 5.000 km. Sau hành trình đau đớn và mệt mỏi kéo dài 3 tháng, con vật trông tiều tụy và phủ đầy rận cá voi. Nó có thể sẽ chết ở Hawaii trong thời gian tới.
“Không sử dụng đuôi, con cá voi lưng gù đã dùng vây bụng để “bơi ếch”, dựa vào sóng biển cũng như dòng chảy của đại dương để điều hướng và hoàn thành cuộc di cư này. Điều này thật tuyệt vời nhưng cũng thật đau lòng”, Janie Wray nói.
Cá voi lưng gù trưởng thành có thể dài từ 14 – 17 m, nặng tới 40 tấn và nổi tiếng với những chuyến đi dài mà chúng thực hiện mỗi năm, bơi từ vùng nước lạnh giá gần Alaska đến tận vùng nước ấm của Mexico và Hawaii để sinh sản.
“Việc di cư này là một phần truyền thống của chúng. Moon có lẽ được sinh ra ở Hawaii và nó quay lại đây mỗi năm một lần vì đó là điều nó được dạy từ cá voi mẹ. Đó có lẽ là lý do tại sao Moon đã quyết định đi suốt quãng đường dài với vết thương của mình”, Wray nói thêm.
Nhà nghiên cứu hy vọng rằng câu chuyện của Moon có thể đóng vai trò như một lời cảnh báo về những tác động tàn khốc mà các vụ va chạm có thể gây ra đối với cá voi. Theo ông, điều quan trọng nhất cần làm là mọi người nên giảm tốc độ tàu thuyền, đặc biệt là ở những khu vực mà chúng ta biết là có cá voi.
“Moon đau đớn nhưng vẫn sống sót. Chúng tôi biết nó sẽ không quay lại gặp chúng tôi nữa. Moon sẽ sớm qua đời và tất cả chúng tôi đều nghĩ việc này nên xảy ra càng sớm càng tốt. Những nỗ lực để làm chết con vật sẽ cần một hỗn hợp các chất độc hại, và việc này có nguy cơ khiến những sinh vật biển ăn xác của Moon bị đầu độc”.