Công cụ đánh bắt tôm hùm Maine đang gây hại cho loài cá voi trơn vốn đã gần tuyệt chủng. Nhà Trắng sẽ phải quyết định nên hỗ trợ ngành công nghiệp tôm hùm hay bảo tồn cá voi.
Trong bữa tiệc chiêu đãi của Nhà Trắng hôm 1/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng 200 vị khách đã được thưởng thức tôm hùm Maine sốt bơ. Ông không hề biết mình đang bước vào giữa cuộc chiến pháp lý về đánh bắt hải sản, theo Guardian.
Ngành đánh bắt tôm hùm Maine hiện phải tuân theo phán quyết của tòa án nhằm ngăn chặn ngư dân săn bắt tôm hùm bằng các ngư cụ gây hại cho loài cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương.
Theo thống kê, loài cá voi này có nguy cơ tuyệt chủng cao hàng đầu thế giới khi chỉ còn dưới 350 con còn sống. Trong đó, chỉ còn 100 con cá voi cái có khả năng sinh sản, Politico cho biết.
Tổ chức Tiếp thị Tôm hùm Maine đã hoan nghênh lựa chọn của Nhà Trắng và bày tỏ niềm tự hào trước việc các vị khách “đang thưởng thức hương vị thơm ngon của tôm hùm Maine”.
Nhưng quyết định chiêu đãi 200 con tôm hùm Maine của Nhà Trắng khiến một số nhóm hoạt động môi trường không hài lòng. Nhóm vận động bảo tồn đại dương Oceana phản bác rằng “tôm hùm trong thực đơn của họ không thể được coi là bền vững”.
Tranh cãi từ quá khứ
Tranh chấp giữa ngành công nghiệp tôm hùm trị giá một tỷ USD của Maine và các biện pháp bảo vệ mới do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ ban hành có nguồn gốc sâu xa.
Quần thể cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương đã giảm mạnh so với một thập kỷ trước, trong khi ngành công nghiệp tôm hùm của bang Maine bùng nổ. Khi bị đổ lỗi, người trong ngành khẳng định việc cá voi sụt giảm không phải do vướng vào các sợi dây thừng được ngư dân gắn vào phao nổi trong quá trình đánh bắt tôm.
Một số người nói nguyên nhân là va chạm với tàu, số khác đổ lỗi cho việc dùng lưới rê.
Cá voi trơn là một trong những loài cá voi đầu tiên được bảo vệ vào những năm 1930. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý động vật hoang dã Mỹ cảnh báo rằng loài cá voi này có thể biến mất sau 40 năm nữa.
Gần đây nhất, vào tháng 9, một con cá voi trơn có tên Snow Cone đã được phát hiện khi vướng phải ngư cụ trong tình trạng sức khỏe “rất kém”.
“Còn quá ít cá voi nhưng lại có quá nhiều ngư cụ dưới lòng biển. Để cá voi sinh sản và phục hồi số lượng, chúng phải khỏe mạnh”, Michael Moore, nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Woods Hole, cho biết.
Tháng 11, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết lùi thời điểm phát sinh hiệu lực của các quy định giúp ngăn cá voi mắc vào ngư cụ thêm 2 năm, theo AP.
Trong khi đó, chuỗi Whole Foods Market thông báo sẽ chấm dứt bán tôm hùm từ Vịnh Maine tại hàng trăm cửa hàng trên khắp nước Mỹ do lo ngại về tính bền vững. Cơ quan tư vấn hải sản Seafood Watch có trụ sở tại California đã thêm nghề đánh bắt tôm hùm của Mỹ và Canada vào “danh sách đỏ”.
Hội đồng Quản lý Biển (MSC) cũng đình chỉ chứng nhận ngành công nghiệp tôm hùm của Maine. MSC gọi việc cá voi vướng vào ngư cụ là “tình huống nghiêm trọng và bi thảm”.
“Chúng (cá voi trơn) nhạy cảm hơn nhiều so với những loài cá voi khác. Thật đáng buồn và khó hiểu khi điều này đang xảy ra ngoài khơi bờ biển của quốc gia giàu có nhất thế giới”, Philip Hoare, tác giả cuốn sách “Leviathan, or the Whale”, nói.
Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu
Khi đại dương ấm lên, cá voi trơn di chuyển từ Cape Cod, khu vực kiếm ăn truyền thống, lên phía bắc để tìm kiếm loài giáp xác chân chèo. Trong quá trình di chuyển, chúng bắt gặp khu vực đánh bắt tôm hùm Maine và va phải ngư cụ.
“Chúng là loài động vật linh hoạt đáng kinh ngạc. Chúng xoắn và xoay mình khiến bản thân bị vướng vào lưới. Các sợi dây thừng đánh bắt tôm hùm có thể cuốn chặt phần đuôi và gây ra hoại tử. Đó là một cái chết chậm khủng khiếp”, ông Hoare nói.
Theo tiến sĩ Moore, vấn đề bắt nguồn từ nhu cầu tiêu dùng. Trong quá khứ, cá voi bị săn lùng để lấy dầu và tấm sừng hàm. Đến hiện tại, cá voi lại bị tổn hại bởi nhu cầu hàng hóa của con người.
“Tất cả được gây ra bởi biến đổi khí hậu và tác động trực tiếp của những hành động khai thác của con người”, ông nói.
Nhiều nhà hoạt động chỉ trích rằng hành động của Nhà Trắng đang cho thấy sự ưu tiên lợi ích chính trị và kinh tế hơn là bảo tồn sinh học.
“Cá voi trơn có thể được coi là tượng trưng cho sự sụp đổ của đa dạng sinh học”, tiến sĩ Moore nhận định.
Trên thực tế, ngư dân có thể áp dụng những phương pháp đánh bắt “không dây” để hạn chế việc cá voi mắc kẹt vào dây thừng. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, cá voi vẫn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
“Chúng ta không thể vừa bảo vệ cá voi vừa nuôi tôm hùm. Cá voi đang khiến ngành công nghiệp tôm hùm gặp khó khăn”, ông Hoare nói.