Một công ty tại châu Âu đang phát triển bẫy sâu bệnh trí thông minh nhân tạo (AI) để giảm thiệt hại cho nông nghiệp.
Một công ty tại Slovenia có tên Trapview đã tạo thiết bị bẫy và nhận diện loài sâu bệnh gây hại từ đó đóng vai trò cảnh báo sớm để dự đoán chúng lây lan như thế nào.
CEO của Trapview – ông Matej Stefancic nhận định: “Chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu lớn nhất về hình ảnh côn trùng trên thế giới, tạo điều kiện để sử dụng thị giác máy tính dựa trên AI hiện đại theo cách tối ưu nhất”. Ông Matej Stefancic hy vọng sẽ giúp nông dân cứu mùa màng của họ bằng các biện pháp can thiệp nhanh hơn, thông minh hơn.
Các thiết bị của Trapview sử dụng pheromone để thu hút sâu bệnh. Camera bên trong thiết bị sẽ chụp lại ảnh loài gây hại. AI đối chiếu các hình ảnh với cơ sở dữ liệu của Trapview và từ đó nhận diện hơn 60 loài, ví dụ như bướm đêm gây hại cho táo cũng như sâu xanh gây hại cho rau diếp và cà chua. Sau khi được xác định, hệ thống sẽ kết hợp dữ liệu vị trí và thời tiết, vạch ra ảnh hưởng tiềm tàng từ côn trùng và gửi kết quả cho nông dân thông qua một ứng dụng.
Ứng dụng của Trapview cũng có thể tính toán vị trí và thời điểm phù hợp nhất sử dụng thuốc trừ sâu. Ông Matej Stefancic nói rằng Trapview có thể giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học cũng như tần suất người nông dân ra thăm đồng của họ. Ông cho rằng bằng cách giảm lượng khí thải do nông dân lái xe ra đồng cũng như khí thải liên quan đến việc sản xuất và vận chuyển thuốc trừ sâu, công nghệ này cũng có thể giúp ích cho khí hậu.
Ông Steve Edgington tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Nông nghiệp Khoa học sinh học Quốc tế nhận định việc công nghệ nông nghiệp kết hợp với AI để xử lý khủng hoảng lương thực toàn cầu là điều tốt.
Ông bổ sung: “Điều quan trọng là giảm lượng thuốc trừ sâu trên đất nông nghiệp nếu chúng ta sản xuất thực phẩm bền vững trong bối cảnh nhiều thách thức từ sinh vật gây hại, các loại bệnh và biến đổi khí hậu”. Theo ông Edgington, mỗi năm có khoảng 2 tấn thuốc trừ sâu được sử dụng.
Ông Buyung Hadi tại FAO đánh giá các giải pháp như của Trapview thể hiện sự thay đổi so với cách quản lý sâu bệnh thông thường, vốn thường dựa trên các phương pháp phản ứng, thay vì chủ động.
Trapview tuyên bố tính từ thời điểm thành lập năm 2012 đến nay công ty này đã bán được hơn 7.500 thiết bị cho 50 quốc gia. Trapview đã tập trung vào các thị trường Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Brazil. Trapview hiện có 50 nhân viên và nhận được 10 triệu USD tiền đầu tư trong tháng 9.