Liên minh châu Âu nhất trí về kế hoạch yêu cầu các hãng hàng không sẽ phải trả tiền cho giấy phép phát thải carbon dioxide đối với các chuyến bay bên trong châu Âu.
Theo hãng Reuters, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận đối với dự luật yêu cầu các hãng hàng không trả tiền liên quan lượng khí thải carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính mà họ thải ra trong quá trình kinh doanh.
Động thái trên được cho là tạo thêm áp lực để ngành hàng không tại châu Âu giảm sử dụng các nguồn nguyên liệu hoá thạch.
Hiện tại, các hãng hàng không điều hành các chuyến bay bên trong châu Âu phải mua giấy phép phát thải carbon dioxide từ thị trường carbon hay còn gọi là thị trường mua bán quyền phát thải của châu Âu. Các giấy phép này hầu hết được EU cấp miễn phí.
Tuy nhiên điều này đã không còn nữa khi các nhà đàm phán từ các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu nhất trí trong một thỏa thuận mới đây, trong đó đồng ý loại bỏ dần các giấy phép miễn phí trên vào năm 2026. Trước thời điểm này, số lượng giấy phép miễn phí sẽ cắt giảm lần lượt 25% và 50% trong năm 2024 và 2025.
Điều đó có nghĩa là các hãng hàng không sẽ phải trả tiền cho giấy phép phát thải carbon dioxide, tạo động lực tài chính để các công ty này giảm hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Khoảng 20 triệu giấy phép sẽ được cung cấp trong giai đoạn 2024-2030 cho các hãng hàng không sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) nhằm bù đắp khoản chênh lệch giá so với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng tôi luôn đồng hành cùng với ngành hàng không thông qua quá trình chuyển đổi xanh” – bà Suncana Glavak, trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện châu Âu cho hay.
Dù vậy, nhóm Ngành Hàng không châu Âu cho biết họ “vô cùng thất vọng” với kế hoạch loại bỏ dần giấy phép miễn phí vào năm 2026.
Cho đến nay, EU đã giới hạn thị trường carbon đối với các chuyến bay bên trong châu Âu, tuy nhiên các nhà đàm phán nhất trí đến năm 2026 sẽ đánh giá liệu kế hoạch bù đắp lượng phát thải của các chuyến bay quốc tế của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) có đang đi đúng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 hay không. Nếu không, EU sẽ đề xuất mở rộng thị trường carbon đối với tất cả các chuyến bay khởi hành từ châu Âu.