Với hệ thống nhà gấu, khu bán hoang dã, Cơ sở bảo tồn gấu (BTG) Ninh Bình là nơi 49 cá thể gấu đang được chăm sóc, phục hồi sức khỏe và tập tính tự nhiên sau khi được cứu hộ hoặc được các chủ trại nuôi tư nhân tự nguyện chuyển giao.
Đến tham quan khu vực bán hoang dã của nhà gấu số 1 tại Cơ sở BTG Ninh Bình, nhìn từ ngoài hàng rào thép vào, chúng tôi vô cùng thích thú khi thấy gần một chục cá thể gấu đang nhẩn nha đi lại trong khuôn viên. Là người trực tiếp chăm sóc các cá thể gấu này, ông Bùi Văn Thức chia sẻ, hầu hết các cá thể ở đây sau khi được chủ trại nuôi tư nhân chuyển giao hoặc cứu hộ về đều mắc ít nhất một trong các bệnh như viêm khớp, cao huyết áp, thần kinh căng thẳng hoặc bệnh về gan, mật, răng miệng, cần được chăm sóc để phục hồi sức khỏe và các tập tính vốn có của loài.
Chỉ về hướng hai cá thể gấu đang nô đùa với nhau, ông Bùi Văn Thức kể: “Kia là Thái Vân và Thái Giang. Chúng từng bị nuôi nhốt trong lồng sắt từ năm 2005 và được cứu hộ về Cơ sở vào tháng 11-2017. Thời gian đầu về đây, Thái Giang có những hành vi bất thường và dễ bị kích động, còn Thái Vân gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, phải nhổ 4 răng nanh bị sâu. Chỉ sau một thời gian ngắn được chăm sóc, Thái Giang và Thái Vân đã trở thành đôi bạn tốt, cùng chơi đùa, tắm dưới hồ nước hoặc ngủ ngon trên võng. Cả hai đều đi thăng bằng rất giỏi trên các thanh xà ngang trong khu bán hoang dã”.
Về quy trình cứu hộ-chăm sóc gấu tại Cơ sở BTG Ninh Bình, theo chị Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Tổ chức Four Paws Việt (đơn vị thành lập và vận hành Cơ sở BTG Ninh Bình), sau khi được cơ quan chức năng thông báo địa chỉ gấu cần cứu hộ, cán bộ, nhân viên của Cơ sở sẽ tới khảo sát, khám sức khỏe, xây dựng phương án vận chuyển gấu về Cơ sở. Mỗi cá thể đều được cách ly 21 ngày để bác sĩ thú y khám, xây dựng phác đồ điều trị, đồng thời làm quen với người chăm sóc. Kết thúc 21 ngày, gấu sẽ được đưa vào nhà gấu phù hợp. Tại mỗi nhà gấu, hằng ngày, các nhân viên đều dọn vệ sinh, cho gấu ăn, uống thuốc nếu được kê đơn. Bác sĩ thú y sẽ tới khám định kỳ cho từng cá thể. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc gấu, nhân viên trong các nhà gấu đều phải thay nhau quan sát, nắm được tình hình sức khỏe, sở thích, tính cách, mối quan hệ giữa các cá thể gấu, để khi gặp tình huống bất thường sẽ có phương án điều chỉnh, xây dựng môi trường sống phù hợp.
Khẩu phần ăn của gấu gồm 4kg thức ăn/ngày, chia làm 3 bữa với các loại rau, củ theo mùa như bí ngô, khoai lang, cà rốt, bắp cải…; viên thức ăn khô để bổ sung đạm. Tuy nhiên, đối với những chú gấu kén ăn, nhân viên phải rất kiên nhẫn và khéo để cho gấu ăn. Chị Trần Thị Liên nhớ lại những ngày đầu chăm sóc gấu Trăng vào 4 năm trước: “Trăng là một cá thể gấu rất kén ăn và khó tính. Khi ấy, Trăng chỉ ăn thanh long và dưa chuột. Chúng tôi đã dành gần 3 năm để tập cho Trăng ăn được bí đỏ, khoai lang và ngô, giúp Trăng có những bữa ăn phong phú và dinh dưỡng hơn. Những ngày Trăng tâm trạng không tốt sẽ không chịu uống thuốc, chúng tôi đã rất kiên nhẫn và dịu dàng để dỗ Trăng uống”.
Ngoài việc xây dựng, lắp ráp các mô hình, dụng cụ giúp phục hồi các tập tính của gấu tại khu bán hoang dã, các nhân viên tại đây còn thường xuyên tổ chức các hoạt động để tạo cơ hội cho gấu thể hiện những hành vi tự nhiên như leo trèo, trốn, thao tác với đồ vật, đánh hơi và tìm cách lấy đồ ăn.
Chị Quách Thị Lành đang chuẩn bị thức ăn cho gấu tại nhà bếp. Vừa gói lại những bắp ngô trong tán lá, đặt rau vào những ống tre, chị vừa giải thích: “Việc gói, giấu thức ăn khiến gấu phải sử dụng khứu giác, thị giác, sự khéo léo của cơ thể để tìm kiếm và lấy thức ăn”.
Trong 5 năm hoạt động, Cơ sở BTG Ninh Bình đã thực hiện 24 chuyến cứu hộ tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời xây dựng và thử nghiệm mô hình du lịch bền vững kết hợp với giáo dục nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật. Đánh giá những hoạt động của Cơ sở BTG Ninh Bình từ khi thành lập đến nay, ông Trần Trọng Anh Tuấn, Trưởng phòng Bảo tồn loài, quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhận xét: “Cơ sở BTG Ninh Bình đã và đang chứng tỏ vai trò, sự thành công trong hoạt động cứu hộ, nuôi dưỡng, chăm sóc các loài hoang dã, các loài đã từng bị nuôi nhốt trái phép. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực cứu hộ 62 cá thể gấu và mang lại cho chúng một môi trường, điều kiện sống tốt đẹp hơn, đồng thời có những hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức sáng tạo cho khách tham quan, nâng cao ý thức bảo tồn các loài gấu, bảo tồn các loài động vật hoang dã”.