Chi phí để giúp khu vực này “cai” nhiên liệu hóa thạch là không hề nhỏ.
Điều đầu tiên Sabina Yeasmin nghĩ tới là con gái 17 tháng tuổi của mình, khi căn hộ tại Dhaka của cô bị cắt điện vào đầu tháng này. Tại nơi cô sống, thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh, thời điểm hiện tại là lúc mà muỗi sinh sôi nảy nở. Nếu không có quạt hay điều hòa, cô Yeasmin không thể để con mình nằm trong lớp màn tránh muỗi ngột ngạt được. Trong khi đó, tình trạng thiếu dầu khiến máy phát điện dự phòng trở nên vô dụng, giá đèn cầy thậm chí còn tăng gấp 4 lần. Điều duy nhất cô Yeasmin có thể làm hiện tại là bật khóc.
Việc cắt điện vào ngày 4/10 không chỉ xảy ra tại tòa nhà của cô Yeasmin mà còn ở hầu hết mọi nơi của Bangladesh: 4/5 trong số 165 triệu người của đất nước trải qua tình trạng mất điện trong 7 giờ. Các nhà máy ngưng trệ. Máy bơm ở các khu chung cư không hoạt động, làm mất nước sinh hoạt của cư dân.
Sự cố cắt điện là một trong những hệ quả của tình trạng thiếu điện do căng thẳng địa chính trị. Trong thập kỷ qua, Bangladesh đã đầu tư rất nhiều vào công suất phát điện để theo kịp với nền kinh tế đang phát triển của mình, chủ yếu bằng cách xây dựng các nhà máy khí đốt tự nhiên chạy bằng nhiên liệu nhập khẩu. Việc Nga tấn công Ukraine đã đẩy giá khí đốt lên cao còn các nhà sản xuất khí đốt vùng Vịnh đã ưu tiên xuất khẩu sang châu Âu, nơi trả nhiều tiền nhất, thay vì xuất khẩu sang các nước nghèo.
Vấn đề mà Bangladesh phải đối mặt là điềm báo cho những điều sắp xảy ra ở phía trước. Các nền kinh tế châu Á sẽ phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới, đồng nghĩa với nhu cầu về năng lượng của họ sẽ tăng cao. Đồng thời, các quốc gia trong khu vực này đã là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Chi phí để đối phó và khắc phục lũ lụt, hạn hán, nắng gắt sẽ chỉ tăng lên. Trong khi đó, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch lại đang phụ thuộc quá nhiều vào những biến động chính trị. Thành công trong tương lai của châu Á và sự ấm no của người dân, bao gồm khả năng thắp sáng, sẽ phụ thuộc vào việc liệu nước này có thể cung cấp năng lượng đủ xanh cho mình hay không.
Đó là một thách thức ghê gớm. Nhu cầu năng lượng cho mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ tăng khoảng ⅓ tổng số năng lượng hiện tại của EU, vào năm 2050. Riêng Ấn Độ có thể sẽ cần thêm công suất tương đương với của EU hiện tại, vào năm 2040.
Nếu nhu cầu bổ sung của châu Á được thay thế bằng năng lượng tái tạo, đây sẽ là một kịch bản lý tưởng. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng trên toàn khu vực.
Ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines, than đá, những loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, vẫn là vị vua. Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, đã đặt mục tiêu không carbon vào năm 2070, muộn hơn hai thập kỷ so với các nền kinh tế lớn của phương Tây. Một số quốc gia còn lại vẫn chưa đưa ra cam kết nào.
Việc loại bỏ than khỏi nguồn cung cấp năng lượng là một điều cần được ưu tiên. Mặc dù các nhà máy than sẽ cần thiết để đảm bảo sự ổn định của lưới điện trên toàn khu vực trong những năm tới, nhưng việc xây dựng các nhà máy mới phải chậm lại. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn tài trợ 95% cho các nhà máy như vậy, đã hứa sẽ ngừng cấp vốn ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn chưa triệt để.
Các hình thức tài trợ mới sẽ giúp thay đổi những cái cũ. Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đang vận động để áp dụng một mô hình được thử nghiệm ở Nam Phi, nơi các nước giàu cung cấp viện trợ và các khoản vay lãi suất thấp để đóng cửa các nhà máy phát điện bằng than. Ngân hàng Phát triển Châu Á muốn kết hợp viện trợ với vốn tư nhân để tái cấp vốn cho các khoản nợ của các công ty than lớn, theo đó, các công ty này có thể kịp xoay tiền trước khi nợ đáo hạn, với điều kiện họ phải sớm đóng cửa nhà máy.
Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo ở châu Á có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, tác động tích lũy của chúng có thể rất đáng kể. Theo The Economist, năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp đôi thị phần trong cơ cấu điện của châu Á từ 15% lên 31% vào năm 2031.
Để quá trình chuyển đổi thành công, hạt nhân đóng vai trò không nhỏ trong hỗn hợp năng lượng, tương tự như ở Trung Quốc. Bangladesh, Ấn Độ và Hàn Quốc đều đang bổ sung năng lượng hạt nhân. Các sản phẩm năng lượng xanh quy mô lớn của châu Á sẽ giúp ích cho việc này. Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc là những nước sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Indonesia là nhà sản xuất niken lớn nhất, một nguyên liệu đầu vào quan trọng cho pin. Nỗ lực hiện đại hóa công nghệ chế biến niken của nước này và khuyến khích các nhà sản xuất pin từ Hàn Quốc và các nơi khác thực hiện điều tương tự là một thành công đáng chú ý.
Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án sẽ khả thi về mặt thương mại. Theo ước tính của Nhóm các nhà đầu tư châu Á về Biến đổi Khí hậu, để Châu Á có thể sớm “rũ bỏ” hoàn toàn carbon, những khoản đầu tư cần thiết sẽ lên đến khoảng 26-37 triệu USD, từ nay đến năm 2050. Cần có các khoản tài trợ và trợ cấp từ các nước giàu có để thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, đã “ra giá” cho việc cam kết phát thải ròng bằng 0: 1 triệu USD chỉ riêng vào năm 2030. Con số này lớn gấp mười lần số tiền hàng năm cho tất cả các quốc gia nhỏ hơn, theo thỏa thuận Paris năm 2015, phần lớn số tiền này cho đến nay vẫn chưa được giải ngân. Khi các nước gặp nhau ở Ai Cập vào tháng tới tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của liên hợp quốc, tiền sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận. Tương lai carbon thấp của châu Á phụ thuộc vào kết quả cuộc họp này.