Trong vòng 5 năm qua, một diện tích lớn rừng tự nhiên ở tỉnh Đắk Lắk đã bị suy giảm nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Sáng 6.12, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo tham vấn một số kết quả nghiên cứu năm 2022.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghe kết quả và thảo luận đánh giá nhanh hiện trạng xâm lấn đất lâm nghiệp ở Đắk Lắk (tập trung 2 huyện Lắk, Krông Bông); Đề xuất và kiến nghị về kết quả phục hồi rừng giai đoạn 2016 – 2022 và kế hoạch phục hồi rừng giai đoạn 2023- 2030 của tỉnh Đắk Lắk…
Thống kê của Tropenbos Việt Nam: Từ năm 2017 đến 2021 tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tăng 11.488 ha, rừng trồng tăng 20.038 ha, đất chưa có rừng tăng 26.787 ha.
Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên giảm khoảng 35.000 ha, nguyên nhân xảy ra biến động này một phần là do diện tích rừng trồng đủ tiêu chí thành rừng, đất chưa có rừng tăng và một số vụ lâm tặc phá rừng lấy gỗ.
Ngoài ra, diện tích rừng tự nhiên giảm nhiều hơn so với phần tăng lên của rừng trồng vì liên quan đến rừng bị phá; chuyển mục đích sang xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, diện tích rừng suy giảm trữ lượng và phần rà soát cập nhật giảm từ các năm trước nhưng không báo cáo kịp thời…
Các chuyên gia Tropenbos Việt Nam nhận định: Tỉnh Đắk Lắk cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch lâm nghiệp, đất lâm nghiệp hiện có. Cơ quan chức năng cần bóc tách và lập ranh giới cụ thể, chính xác toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị chồng chéo, xâm lấn.
Ngoài ra, cần xác định và đánh giá cụ thể chính xác nguồn gốc, hoàn cảnh và phân loại cụ thể toàn bộ diện tích chồng chéo, xâm lấn; xây dựng giải pháp, chiến lược đồng bộ, xử lý thích hợp với từng loại.
Về tiếp cận trong phục hồi rừng, trên diện tích rừng không bị xâm lấn hiện tại, cơ quan có thẩm quyền cần phân cấp và đánh giá tổng thể, xác định và phân cấp các khu vực cần ưu tiên cho hoạt động phục hồi rừng.
Về mặt chính sách, tỉnh cần có cơ chế đặc thù trong quản lý bảo vệ, phục hồi rừng đối với rừng ở Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư lâm sinh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.