Ngày 3/12, tại xã Phong Chương, Phong Điền, hơn 100 người dân địa phương ra quân trồng rừng bản địa phục hồi môi trường tại vùng cát.
Đây là hoạt động nằm trong dự án (DA) “Phục hồi rừng bản địa trên cát kết hợp phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” do tổ chức Đoàn kết quốc tế-SODI (CHLB Đức) tài trợ thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và Viện Tài nguyên và Môi trường (IREN) Đại học Huế.
Dịp này, dù tiết trời mưa gió nhưng dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn thuộc DA, người dân địa phương đã vận chuyển giống, đào hố, trồng hơn 11.000 cây, như săn mã, gõ, trâm nổ, sở…trên diện tích gần 10 ha ở các đồng cát làng Lương Mai (Phong Chương); trong đó có 5 ha trồng cây tràm gió tại vườn của các hộ gia đình.
Qua hoạt động này, ngoài mục tiêu nâng cao năng lực, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng sống ở vùng cát nội vùng xã Phong Chương, cũng là dịp tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc trồng, phục hồi bảo vệ vùng đất cát bị sa mạc và bảo vệ đa dạng sinh học…bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Thuyến, người dân làng Lương Mai chia sẻ: “Chúng tôi mừng khi được tham gia trồng rừng trên đồng cát. Thời gian đến, làng quê sẽ có những cánh rừng xanh để chống cát bay, cát nhảy để điều hòa khí hậu, ngăn chặn ảnh hưởng thảm họa thiên tai đến sản xuất, sinh hoạt của bà con trong vùng”.
DA “Phục hồi rừng bản địa trên cát kết hợp phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Phong Chương” thực hiện từ năm 2022 đến 2025, bao gồm các hợp phần trồng rừng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển các hoạt động tạo thu nhập bền vững và thích ứng.
DA có tổng vốn 178.417.17 euro (tương đương 4.930.237.342 đồng), trong đó tổ chức SODI tài trợ 147.477 Euro (tương đương 4.075.251.212 đồng). Nguồn còn lại do ngân sách địa phương đối ứng.
Những hình ảnh trồng rừng trong ngày 3/12