Hội thảo khoa học xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Cúc Phương

Chiều 1/12, Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức hội thảo khoa học 60 năm xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Cúc Phương, kết quả và bài học kinh nghiệm.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, các chuyên gia và đại diện Vườn quốc gia, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên cả nước.

Năm 1962, Cúc Phương được công nhận là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Qua 60 năm hình thành và phát triển, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, bảo tồn và khai thác phát triển du lịch; cứu hộ bảo vệ động vật hoang dã; giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Quang cảnh hội thảo.

Vườn có diện tích hơn 22.000 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.

Từ năm 2019 đến năm 2022, liên tiếp 4 năm Vườn quốc gia Cúc Phương được Giải thưởng Du lịch thế giới và vinh danh là Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, để có được những kết quả như ngày hôm nay Vườn đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó công tác quản lý, bảo vệ rừng được coi là nhiệm vụ trọng tâm với phương châm “bảo vệ rừng tận gốc”. Vườn chủ động phối hợp tốt với chính quyền địa phương xung quanh trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, trách nhiệm bảo vệ rừng tới mọi người dân vùng đệm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế có hiệu quả cao. Nếu trước những năm 1980, công tác hợp tác quốc tế của Vườn chưa có thì đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã triển khai nhiều dự án quan trọng. Một số chương trình hợp tác quốc tế giúp Vườn bảo tồn các loài động vật quý…

Hiện tại, Chương trình Bảo tồn Rùa Cúc Phương đã được công nhận là Trung tâm Bảo tồn rùa lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường được Vườn khai thác hiệu quả, bền vững. Đây là loại hình du lịch không chỉ mang lại những lợi ích về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho du khách.

Vườn đã xây dựng các tour, tuyến du lịch thăm các Trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật; các điểm tham quan như tour “Về nhà”, Chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh”, “Thêm xanh cho cánh rừng già”, “Hành trình hồi sinh” là những sản phẩm độc đáo đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái riêng của Cúc Phương.

Hiện nay, mỗi năm Vườn đón khoảng 120.000 đến 130.000 khách du lịch, trong đó khoảng 1/4 là khách quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng những kinh nghiệm mà Vườn quốc gia Cúc Phương đã đúc rút trong hành trình 60 năm qua chính là bài học quý, cách làm hay có tính khoa học và thực tiễn cao để hệ thống các Vườn quốc gia, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã có thể học tập, tham khảo.

Các đại diện cũng đã chỉ ra một số thách thức trong công tác bảo tồn, phát triển mà các Vườn quốc gia đang gặp phải như áp lực dân số ở vùng đệm; khó khăn trong công tác cứu hộ động vật hoang dã, việc phát triển du lịch sinh thái chưa hấp dẫn… Qua đó cùng nhau đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp, kiến nghị từng bước giải quyết các khó khăn trên.

Kết thúc hội thảo, đại biểu đã tham dự lễ khởi công Khu bảo tồn tê tê vàng và cầy vằn của Vườn quốc gia Cúc Phương.