Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra phức tạp trên các tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và đường bộ với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới, vùng biển, với phương thức thủ đoạn mới và tinh vi hơn.
Các mặt hàng trọng điểm các đối tượng buôn lậu hướng tới chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện tử, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo… và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã…
Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý thuận lợi cho các hoạt động giao thương, di chuyển giữa các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhiều chính sách đễ hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động ngoại thương.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những điểm nóng các đối tượng buôn lậu hướng tới như: mượn đường trung chuyển, quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa, vận chuyển trái phép các chất ma túy; lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định để lẩn tránh, giả mạo xuất xứ Việt Nam; lợi dụng chính sách miễn thuế đối với loại hình như nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, đầu tư, gia công để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp; lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng, tờ khai trị giá thấp để buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với các mặt hàng tiêu dùng, hàng cấm, ô tô,…
Nhằm chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thực tế tại địa bàn, kịp thời chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan đã tăng cường chỉ đạo, cảnh báo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng chống buôn lậu trong toàn ngành, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý; phối hợp xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Trong tháng 11/2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và hải quan địa phương đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
Cuối tháng 11, Tổng cục Hải quan cũng tổ chức Hội nghị quán triệt, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu trong lĩnh vực hải quan.
Tại đây, các đơn vị đã cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động nghiệp vụ phòng chống buôn lậu qua một số chuyên đề như đấu tranh đối với hoạt động lợi dụng loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu để buôn lậu, trốn thuế; kiểm soát, giám sát đối với hàng vận chuyển độc lập, quá cảnh, vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới; chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyên án, vụ việc ma tuý…
Nhờ các giải pháp đó, 11 tháng qua, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 14.672 vụ việc vi phạm; cơ quan hải quan khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 112 vụ.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống ma túy của lực lượng hải quan, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc sử dụng máy phát hiện ma túy phục vụ công tác phòng, chống ma túy của ngành Hải quan.
Thống kê 11 tháng năm 2022, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 268 vụ/233 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 150 vụ. Tang vật thu được gồm 153 kg heroin và 28 bánh heroin; 145 kg cần sa; 49,1 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 629 kg và 54.164 viên, ketamin 47,5 kg. |