Rùa khổng lồ Jonathan trở thành động vật trên cạn sống lâu nhất thế giới vào sinh nhật lần thứ 190.
Jonathan lần đầu tiên tới nơi ở hiện nay của nó trên đảo Saint Helena ở Nam Đại Tây Dương năm 1882 như một món quà dành cho thống đốc của hòn đảo thuộc sở hữu của nước Anh. Vào thời gian đó, con rùa được cho là 50 tuổi.
Hiện nay, ở tuổi 190, Jonathan dài 122 cm, giữ nguyên kích thước khi nó tới đảo. Nó thuộc loài rùa khổng lồ Seychelles, trưởng thành đầy đủ khi 50 tuổi. Một số nhà tự nhiên học cho rằng nó thậm chí có thể già hơn. Dù sống thọ, Jonathan mới chỉ thu hút sự chú ý trên khắp thế giới vào năm 2008 khi trang Independent đưa tin con vật tròn 176 tuổi.
Jonathan sống lâu hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của rùa khổng lồ Seychelles là 150 tuổi. Con rùa chỉ 5 tuổi khi nữ hoàng Anh lên ngôi và sống qua hai lần Thế chiến. Nó cũng sống qua 39 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Ước tính ra đời năm 1832, Jonathan sống phần lớn cuộc đời trong ngôi nhà ở đồn điền của thống đốc. Nó có thể được xem như biểu tượng của hòn đảo. Hình ảnh của Jonathan thậm chí xuất hiện ở mặt sau đồng 5 xu của đảo Saint Helena.
Các nhà khoa học thậm chí từng nghiên cứu Jonathan để xác định những lợi ích sức khỏe có thể thu được từ chế độ ăn và tế bào của nó. Do tế bào của Jonathan không đột biến theo cách tương tự tế bào con người, giới nghiên cứu hy vọng nó có thể hé lộ bí quyết đối phó bệnh ung thư ở người.
Jonathan ở chung cùng với 3 con rùa khác là rùa cái Emma 54 tuổi, rùa đực David 54 tuổi và rùa cái Fredrika 31 tuổi. Hai con rùa đầu tiên tới đảo năm 1969 trong khi Frederika được chuyển đến năm 1991. Năm ngoài, Jonathan soán ngôi động vật trên cạn sống lâu nhất thế giới của một con rùa Madagascar tên Tu’I Malila. Tu’I Malila là quà tặng dành cho hoàng tộc Tonga năm 1777 và chết năm 1965 ở tuổi 188, theo Smithsonian.