Đời sống của đồng bào tại miền Tây Nghệ An còn nhiều khốn khó, áp lực chỉ giảm tải khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ra đời.
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao
Khu dự trữ sinh quyển thế giới (SQTG) miền Tây Nghệ An nằm trên địa giới hành chính của 9 huyện là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Đây là Khu SQTG lớn nhất tại Việt Nam, là nơi sinh sống của 6 nhóm dân tộc (Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu) với 918.248 người.
Cần nhắc lại, với hơn 1,1 triệu ha, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước.
Giá trị tài nguyên rừng ở Khu dự trữ SQTG miền Tây Nghệ An khó có thể đong đếm, rừng là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hóa.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời là tư liệu sản xuất quý giá, góp phần quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Ý thức được vốn quý trời ban, những năm qua tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Nhìn chung lĩnh vực lâm nghiệp đã có những chuyển biến nhất định, giá trị vốn rừng ngày càng được phát huy.
Về khía cạnh kinh tế, số đông đồng bào, người lao động có thêm thu nhập từ rừng, áp lực cơm áo gạo tiền đã giảm thiểu phần nào.
Đặc biệt hơn, nhờ rừng cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch tích cực, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến để vẫy vùng trong sân chơi lớn.
Nhiều chuyên gia đầu ngành chung nhận định, để cùng lúc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh, từng bước tiến tới hội nhập, hài hòa với xu hướng quản trị rừng.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, Nghệ An cần tập trung phát triển lâm nghiệp theo hướng đảm bảo hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và đặc điểm sinh thái đặc thù của tỉnh.
Nghệ An có 3 vùng sinh thái đặc trưng, nhất thiết phải phân vùng chi tiết, xác định đúng trọng tâm để bắt tay vào làm.
Với riêng khu vực vùng cao, phải đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biên giới, ưu tiên bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng dịch vụ sinh thái gắn với du lịch và sản phẩm nông lâm nghiệp đặc hữu.
Dẫu còn những nút thắt, tồn tại chưa thể giải quyết triệt để nhưng diễn biến tình hình chung đã có nhiều nét khởi sắc, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã hòa vào nhịp sống, được đồng bào hồ hởi đón nhận, nổi bật nhất là Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hòa nhịp sống
Đây là chính sách lớn, có tính đột phá cao, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức chuyên môn, đặc biệt là người dân.
Chính sách chỉ trả dịch vụ môi trường rừng được áp dụng rộng rãi trên cả nước từ năm 2011, đáng nói Nghệ An nằm trong nhóm tiên phong.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 16/11/2011, từ đó đến nay đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các quy định thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã tạo được sự đồng tình cao tại các đơn vị, tổ chức liên quan, những người làm nghề rừng.
Quá trình thực hiện, Quỹ thường xuyên rà soát, nghiên cứu, qua đó kịp thời ban hành, bổ sung quy chế, quy định phù hợp với pháp luật hiện hành và phù hợp với đặc điểm của các đơn vị, địa phương trong diện thụ hưởng, mục tiêu là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện cho các đơn vị, cá nhân được thụ hưởng.
Qua 11 năm áp dụng, chính sách lớn đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo gắn kết bền chặt giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Ngoài ra, kinh phí người dân nhận được thông qua chính sách đã góp phần giảm tải áp lực bộn bề từ cuộc sống thường nhật, tâm lý không còn xao động bà con cũng chuyên tâm giữ rừng hơn.
Mục tiêu của Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là bảo vệ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao chất lượng rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế, giảm tải gánh nặng lên ngân sách Nhà nước. Tại Nghệ An, chính sách đã tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình, giúp việc quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn đi vào chiều sâu. |