Thời gian gần đây, những đám mây có hình dáng như đĩa bay xuất hiện ở đỉnh núi một số tỉnh khu vực phía Nam đã khiến nhiều người lo ngại về dấu hiệu xấu của thời tiết.
Cụ thể, vào ngày 24.11, hình ảnh đám mây lớn bao quanh đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) như hình đĩa bay đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Vào ngày 25.11, đám mây đĩa bay tiếp tục xuất hiện bao quanh núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai) và khu vực núi Dinh (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ngày 29.11, tại khu vực núi Cô Tô (tỉnh An Giang) cũng xảy ra hiện tượng này.
Theo các chuyên gia khí tượng, đây là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính và hình thành ở những dãy núi cao. Loại mây này có điểm đặc biệt là gió mạnh cỡ vừa trở xuống không thể làm vỡ cấu trúc hoặc bị tan. Hiện tượng này chỉ mất đi khi có đám mây khác lớn hơn xâm lấn, hoặc hơi ẩm tại chỗ ngưng bốc hơi, ngưng cấp năng lượng cho nó.
Điều kiện để hình thành mây thấu kính là có một dòng không khí khô và lạnh di chuyển theo phương ngang, song song mặt đất, đi vào một khu vực có dòng không khí nóng ẩm đang bốc hơi ổn định từ một quả núi hay đồi.
Khi lớp không khí ẩm tại núi bị đẩy lên cao gặp khối không khí khô và lạnh đi vào từ gió ngang thì ngưng tụ lại thành những đĩa mây chồng lên nhau.
Ông Lê Đình Quyết – Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: “Đây chỉ là hình dạng của một đám mây, sự xuất hiện theo điều kiện khí tượng bình thường, chỉ có hình thức đám mây rất đặc biệt”.
Lý giải về việc vì sao mây chỉ hình thành trên đỉnh núi, ông Quyết cho hay, mây được hình thành trong điều kiện khí tượng nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm không khí cao và có các hạt nhân ngưng kết, độ ẩm không khí càng cao. Nhiệt độ không khí càng thấp, mật độ hạt nhân ngưng kết càng nhiều thì trạng thái khí quyển càng nhanh đạt tới bão hòa hơi nước, mây dễ hình thành.
Trong điều kiện bình thường ở khí quyển tầng thấp (tầng đối lưu), càng lên cao nhiệt độ càng giảm, do vậy có sự chênh lệch nhiệt độ giữa chân núi với đỉnh núi, tức là trên đỉnh núi nhiệt độ thấp hơn.
Điều kiện để hình thành đám mây có tạo hình giống như đĩa bay, ông Quyết lý giải, do những đám mây tầng thấp (mây tích) có cấu trúc thành những khối, lơ lửng ở độ cao chân mây khoảng 700-1.000 m. Do cấu trúc không bền vững, dưới tác động của gió và vận chuyển bên trong, khối mây luôn “động” nên tạo ra các hình dạng đa dạng.
Có thể trước đó đám mây có bề rộng rộng hơn, hình dạng khác hơn, càng về sau 6h mặt trời sắp chiếu sáng, năng lượng bức xạ mặt trời tăng. Cùng với nhiệt độ không khí bắt đầu tăng, thì những đám mây ngoài rìa tan thành những mây khác được đẩy ra xa hoặc lên tầng cao.
Dần dần, những biến đổi tự nhiên vô tình tạo thành hình dạng như chiếc nón đội lên đỉnh núi. Không khí có xu hướng chuyển động đi lên nhưng yếu, cũng tạo ra các phần tử hạt mây có hướng chuyển động đi lên, tạo nên các lớp trong cùng khối mây này giống như những chiếc nón xếp chồng lên nhau.
Sau khoảng thời gian vài chục phút khi nhiệt độ không khí càng tăng lên thì đám mây này sẽ dần tan.