Lý do voi thích sống ngoài khu bảo tồn

Trong vòng 10 năm, một nhóm các nhà nghiên cứu đã theo dõi 102 con voi châu Á ở Malaysia, thu thập hơn 600.000 vị trí GPS trong quá trình này.

Khi họ phân tích dữ liệu, nhóm phát hiện ra rằng những con voi thích môi trường sống ở rìa và xung quanh các khu vực được bảo vệ hơn là bên trong khu bảo tồn, đặt ra những câu hỏi quan trọng cho việc bảo tồn voi trong khu vực.

Ahimsa Campos-Arceiz, nhà sinh thái học bảo tồn tại Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna của Trung Quốc, đồng thời là đồng tác giả của những phát hiện được công bố cho biết: “Đây là phân tích toàn diện nhất về các hoạt động di chuyển của voi châu Á và mối quan hệ với môi trường sống cho đến nay.” “Hầu hết voi có hơn một nửa phạm vi sinh sống bên ngoài các khu bảo tồn, chỉ một số ít cá thể có hơn 75% phạm vi sinh sống bên trong các khu bảo tồn.”

Một nghiên cứu trên phạm vi rộng đã theo dõi phân loài voi Ấn Độ (Elephas maximus indicus), ở Bán đảo Malaysia và phân loài Borneo (E. m. borneensis), ở bang Sabah, để tìm hiểu các phạm vi trong hành vi của chúng. Có vẻ khác thường trong việc voi thích dành thời gian ở bên ngoài các khu bảo tồn, mặc dù có nguy cơ xung đột với con người, nhưng lại có một động lực lớn: thức ăn.

Benoît Goossens, nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học Cardiff và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Trái ngược với phỏng đoán của hầu hết mọi người, các khu rừng mưa nhiệt đới già cỗi không cung cấp nhiều thức ăn cho voi.” “Rừng nhiệt đới già cỗi là hệ thống “siêu hiệu quả”, trong đó hầu hết thực vật được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các hợp chất thứ cấp (độc tố) để ngăn chặn động vật ăn cỏ.”

Các loại thức ăn mà voi ưa thích, chẳng hạn như cỏ, dây leo, chuối và cây phát triển nhanh, phổ biến hơn nhiều trong các cảnh quan chịu ảnh hưởng của con người, chẳng hạn như đồn điền hoặc rừng thứ sinh. Với một con voi trưởng thành cần tìm kiếm khoảng 150 kg (330 pound) thức ăn mỗi ngày, chúng sẽ tự nhiên thu hút về nơi có nhiều thức ăn hơn.

 

“Một đàn voi Borneam. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hơn một nửa phạm vi sinh sống của những con voi như thế này nằm ngoài các khu vực được bảo vệ. Hình ảnh của John C. Cannon/Mongabay.”

John Payne, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ bảo tồn Bringing Back Our Rare Animals (BORA) ở Sabah, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết “Một yếu tố khác góp phần vào là do vị trí của các khu bảo tồn.”

Ông nói: “Tất cả các khu bảo tồn lớn trên mặt đất ở Malaysia tồn tại chỉ vì chúng nằm trên địa hình rất hạn chế hoặc không thể sử dụng cho con người. “Không nơi nào được chọn để có thể có khả năng hỗ trợ cho một quần thể voi.”

Điều đó không có nghĩa là các khu bảo tồn không quan trọng đối với voi. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy mặc dù voi thích môi trường sống bị xáo trộn nhưng chúng không đi lạc xa khỏi rừng. Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những con voi ở gần các khu vực rừng được bảo vệ để trú ẩn, cho thấy những khu vực này vẫn có một vai trò quan trọng.

Payne nói, một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của nghiên cứu là xung đột giữa con người và động vật hoang dã ở một mức độ nào đó là không thể tránh khỏi và do đó cần phải được quản lý.

Ông nói: “Tôi muốn thấy ít sử dụng thuật ngữ ‘bảo tồn’, theo quan điểm của tôi, từ ngữ này làm suy yếu các cuộc thảo luận nghiêm túc và thảo luận có ý nghĩa.” “Các loài động vật lớn, đặc biệt là những loài gây ra vấn đề cho con người, cần phải được quản lý.”

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số gợi ý để giải quyết xung đột giữa con người và tự nhiên, bao gồm tăng nguồn thức ăn sẵn có ở những khu vực bị xáo trộn trong các khu bảo tồn bằng cách trồng cỏ; quy hoạch sử dụng đất để có thể xem xét hành vi của voi; dựng các rào cản ở những khu vực thường xuyên xảy ra xung đột; cơ chế đền bù tài chính; thúc đẩy sự chung sống giữa người và voi; và, khi vẫn thất bại, thay đổi vị trí của voi.

“Một con voi Borneo. Trong khi một nghiên cứu gần đây cho thấy voi dành phần lớn thời gian bên ngoài các khu vực được bảo vệ, chúng không đi lạc xa khỏi những khu rừng nguyên sinh. Hình ảnh của John C. Cannon/Mongabay.”

Bất chấp những thách thức, Campos-Arceiz và Goossens nói rằng có một số lý do để duy trì sự tích cực. Mặc dù dữ liệu về số lượng voi của Malaysia còn ít, nhưng quần thể hiện tại dường như ổn định và không giảm đáng kể. Ngoài ra, họ nói, xung đột giữa người và voi ở Malaysia chủ yếu liên quan đến thiệt hại về tài sản, như mất mùa, hơn là con người bị thương hoặc thiệt mạng. Malaysia có dân số đô thị hóa cao với mật độ dân số nông thôn thấp nên có thể dành đất để bảo tồn. Malaysia cũng là một quốc gia có thu nhập trung bình cao có đủ khả năng đầu tư vào bảo tồn. Và cuối cùng, Malaysia đã thể hiện cam kết bảo tồn ở cấp quốc gia, bao gồm xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn voi cho Bán đảo Malaysia và Kế hoạch hành động về voi Borneo cho Sabah.

Campos-Arceiz nói: “Kết quả của chúng tôi có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn voi châu Á, chúng cho thấy rằng các khu bảo tồn là rất quan trọng nhưng chưa đủ như một chiến lược tổng thể để bảo tồn voi châu Á.” “Khuyến nghị chính của chúng tôi là cố gắng hiểu và tích hợp hệ sinh thái hành vi của voi châu Á trong nỗ lực bảo tồn chúng.”

Hình ảnh biểu ngữ: Một đàn voi Borneo, bởi Một đàn voi Borneo, bởi BurakovaLP qua Wikimedia Commons (CC BY 4.0).

Đỗ Thụy Nhật Hà

Nguồn: