Sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng, sáng 20-11 (giờ địa phương), Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đã thông qua thỏa thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo hãng tin Reuters, tại phiên toàn thể bế mạc COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, Ngoại trưởng Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đã gõ búa để biểu thị văn kiện thỏa thuận chính trị của COP27 đã được thông qua bằng sự đồng thuận. Trước đó ít phút, đại diện của các quốc gia đã thông qua điều khoản của thỏa thuận liên quan việc thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của BĐKH. Nhiều phái đoàn dự COP27 đã lên tiếng hoan nghênh sau khi thỏa thuận được thông qua.
Cụ thể, quỹ bồi thường này sẽ bao gồm các khoản chi cho những tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra cho các nước nghèo, gồm: Xây dựng nhà cửa, cầu đường bị phá hoại và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ nghiêm trọng. Theo thỏa thuận, quỹ sẽ nhận đóng góp của các nước phát triển và các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như thể chế tài chính quốc tế. Bộ trưởng phụ trách vấn đề BĐKH Pakistan Sherry Rehman cho biết, quỹ này sẽ giải quyết nhu cầu cơ bản của các quốc gia đang phát triển.
Việc COP27 thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được đánh giá là một bước tiến lịch sử quan trọng. Theo AFP, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ đã “tiến một bước quan trọng hướng tới công lý” với việc thành lập quỹ chi trả tổn thất và thiệt hại cho các nước nghèo. “Rõ ràng, điều này sẽ không đủ, nhưng đó là một tín hiệu chính trị rất cần thiết để xây dựng lại niềm tin đã bị phá vỡ. Tiếng nói của những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu phải được lắng nghe”, ông Guterres nêu rõ.
Theo Reuters, nội dung thành lập quỹ bồi thường này vốn không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu. Tuy nhiên, trước nỗ lực của các nước đang phát triển, đây đã trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu tại COP27.
Mặc dù phát thải ít, song các nước đang phát triển lại phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trước những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải CO2, tổn thất và thiệt hại do BĐKH có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất 290-580 tỷ USD/năm vào năm 2030 và 1.000-1.800 tỷ USD vào năm 2050. Những nước này đã có nhiều năm đấu tranh để yêu cầu các nước phát triển có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ ảnh hưởng của BĐKH.
Trong những tháng gần đây, khó khăn càng đè nặng lên nước đang phát triển khi họ vừa phải căng mình đối phó với thảm họa thiên nhiên, vừa phải chật vật vì lạm phát leo thang, khủng hoảng lương thực và năng lượng… Ví như Pakistan, quốc gia này phải trải qua trận lụt kinh hoàng trong năm nay, khiến 1.700 người thiệt mạng. Dù chỉ góp chưa đầy 1% vào tổng lượng khí thải toàn cầu khiến trái đất ấm lên, song Pakistan lại hứng chịu hậu quả khủng khiếp của BĐKH. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng lũ lụt tàn khốc ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD.
Do đó, thỏa thuận đạt được tại thành phố nghỉ mát Sharm El-Sheikh của Ai Cập là một thắng lợi lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Trả lời AFP, ông Collins Nzovu, Bộ trưởng phụ trách kinh tế xanh và môi trường Zambia, chia sẻ rằng ông “rất phấn khích”, đồng thời mô tả đây là “kết quả rất tích cực cho 1,3 tỷ người dân châu Phi”. Về phần mình, ông Mohamed Adow, Giám đốc điều hành Viện chính sách Power Shift Africa có trụ sở tại Kenya, nhấn mạnh: “Khi COP27 bắt đầu, việc bàn về những thiệt hại và tổn thất thậm chí còn không nằm trong chương trình nghị sự và giờ đây, chúng ta đã làm nên lịch sử”. Trong khi đó, theo AP, Bộ trưởng Tài chính Tuvalu Seve Paeniu nêu rõ: “Sau 3 thập kỷ, chúng ta cuối cùng cũng tìm được công lý về BĐKH”.