Là một trong những khu vực phát thải ít nhất nhưng lại chịu những tác động nặng nề nhất từ tiến trình biến đổi khí hậu-môi trường toàn cầu, chuyện giúp châu Phi xây dựng và củng cố năng lực tự bảo vệ đã và đang trở thành trọng tâm của các chương trình phối hợp hành động quốc tế. Mà trước hết, là việc kiến tạo một nguồn ngân sách tài chính khí hậu dồi dào.
Sáu tỷ USD doanh thu và khoảng 30 triệu việc làm, một chương trình đầy tham vọng mang tên Sáng kiến thị trường carbon châu Phi (ACMI) vừa được Liên hợp quốc (LHQ) công bố khởi động, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), ngày 8/11.
Sáng kiến này có mục đích mở rộng đáng kể sự tham gia của châu Phi vào các thị trường carbon tự nguyện, được đưa ra bởi một ủy ban chỉ đạo với 13 thành viên, bao gồm các nhà lãnh đạo châu Phi, các giám đốc điều hành và các chuyên gia tín dụng carbon.
ACMI còn được triển khai trong sự phối hợp Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP), Tổ chức Năng lượng bền vững cho Tất cả (SEforALL) và Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc LHQ, cũng như các nhà vận động chống biến đổi khí hậu quốc tế.
Theo đó, ACMI hướng tới mục tiêu sản xuất 300 triệu tín chỉ carbon hằng năm vào năm 2030. Nhiều quốc gia châu Phi, thí dụ Kenya, Malawi, Gabon, Nigeria và Togo đã chia sẻ cam kết hợp tác với dự án này.
Không gì khác, ngân sách tài chính phục vụ các chương trình thích ứng và chống biến đổi khí hậu chính là vấn đề nóng bỏng nhất, tại COP27 đang diễn ra.
Đơn cử, ngày 7/11, Tổng thống Senegal đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Macky Sall, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ tất cả cam kết chống biến đổi khí hậu. Ông cho rằng cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm là không đủ và cần nâng lên 200 tỷ USD.
Châu Phi mỗi năm chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải ra môi trường toàn cầu, nhưng như sự đánh giá đồng nhất của các nhà chuyên môn cùng giới nghiên cứu khoa học, Lục địa Đen chính là khu vực phải chịu đựng những tác động nặng nề nhất.
Chung quy, ở vấn đề cốt lõi, hầu hết các quốc gia châu Phi đều không đủ tiềm lực tài chính để tự trang bị cho người dân của mình những biện pháp bảo vệ cần thiết (củng cố và xây dựng đê điều hay các hệ thống cảnh báo sớm; cứu trợ những người rủi ro; sửa chữa các cơ sở hạ tầng thiết yếu hay nhanh chóng phục hồi các cơ sở y tế và giáo dục). Họ vẫn luôn phải trông chờ vào sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, tương tự tình thế bấp bênh trong hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Bối cảnh này tạo nên một cái vòng luẩn quẩn: Các nước càng nghèo thì càng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai hay dịch bệnh, và càng bị ảnh hưởng thì họ lại càng khó phát triển. Đi kèm với tình cảnh ấy, trong những cái hố chia cách giàu nghèo càng lúc càng mở hoác giữa các tầng lớp xã hội và cả giữa các quốc gia, các khu vực, thì hận thù, xung đột hay chiến tranh lại càng dễ xảy đến.
Và ở một góc nhìn rộng hơn nữa, không chỉ châu Phi, theo báo cáo từ chính phủ Anh và Ai Cập phối hợp thực hiện, tổng nhu cầu tài chính khí hậu hằng năm của các nước đang phát triển sẽ đạt 2.400 tỷ USD vào năm 2030.
Do đó, việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Và do đó, “Các nước giàu nên nhận ra rằng việc đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn”, như chuyên gia Nicholas Stern, một trong những tác giả của bản báo cáo trên, khẳng định.
ACMI, vì vậy, là cánh cửa thoát hiểm đang hé mở (dù đã khá muộn màng) để châu Phi bước đầu tạo dựng cơ sở tài chính thiết yếu, phục vụ sự tồn vong của chính mình nói riêng cũng như đóng góp vào công cuộc “cứu hành tinh Xanh” nói chung.