Những năm gần đây, tình trạng săn, bắt, buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, khiến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học trên địa bàn.
Được thiên nhiên ưu ái, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều loài động vật hoang dã, nhất là các loài chim. Qua điều tra, khảo sát của các nhà khoa học, tại khu vực rừng Tam Đảo có tới 4 lớp, 26 bộ, 86 họ, 281 loài. Trong đó, lớp chim nhiều hơn cả, với gần 160 loài, có nhiều loại quý hiếm.
Cùng với các loài chim hoang dã, một số khu vực của tỉnh có cánh đồng rộng, mạng lưới sông, suối dày, nhiều hồ, đập xen giữa những cánh rừng xanh tốt, tạo nguồn thức ăn phong phú, thu hút các loài chim di cư về trú đông.
Tuy nhiên, do nhu cầu và sở thích ăn thịt chim hoang dã, chim di cư của một số người dân đã dẫn đến tình trạng săn bắn tận diệt các loài chim này. Các hình thức bẫy, bắt chim chủ yếu là bẫy mồi bắt chim, giăng lưới, phát loa giả tiếng chim và các các dụng cụ khác…
Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã, di cư, làm mất cân bằng sinh thái, phá hoại cảnh quan môi trường.
Để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim hoang dã trên địa bàn.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư. Chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
Triển khai, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo, giết mổ, tàng trữ trái phép động vật hoang dã, các loài chim hoang dã, chim di cư; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm cấp huyện chủ động phối hợp với lực lượng công an, các phòng chức năng của huyện, thành phố và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; xử lý các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bình Xuyên, trên địa bàn đã xuất hiện các loài chim di cư về tránh trú theo mùa. Để tổ chức có hiệu quả chỉ đạo của Sở NN&PTNT về bảo tồn loài chim hoang dã, chim di cư, Hạt đã tham mưu cho huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, tổ dân phố; khuyến khích nhân dân tố giác các đối tượng có hành vi săn bắt, bẫy, giết, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã, các loài chim di cư.
Triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, bao gồm bảo vệ môi trường sống, tuyến đường di cư. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực trọng điểm về săn, bắt, bẫy chim như khu vực đầm nuôi trồng thủy sản, các cánh đồng ven núi, ven các khu rừng… .
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp phải một số khó khăn, do lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn rộng, nên không thể tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục.
Trong khi, người dân thường lén lút hoạt động vào sáng sớm và ngụy trang các bẫy chim rất khó phát hiện. Đến khi phát hiện lại không bắt được người vi phạm để xử lý, bởi các lưới bẫy được cắm cố định, không có người trông coi thường xuyên. Vì thế, tình trạng săn bắt chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm, song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ công tác kiểm soát hoạt động săn, bẫy, bắt chim hoang dã, chim di cư đến việc nghiêm cấm các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống mua bán, giết mổ, tàng trữ, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.