Nhiều năm qua, việc phát triển trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) đã giúp người dân tại Thừa Thiên – Huế thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ấm no nhờ rừng
Chiều nắng nhẹ, theo chân ông Hồ Đức Lăng (62 tuổi, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) dưới những tán rừng rộng lớn và xanh ngắt, ông Lăng kể, 18 năm trước, gia đình lên định cư ở vùng gò đồi Bến Ván theo chủ trương di dân của tỉnh. Hồi ấy ông cũng như bao người dân thật sự gặp khó, do thiếu kinh nghiệm, khi còn trồng rừng gỗ dăm thường không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, cứ theo tập quán “phát-đốt-cuốc-trồng”, mặt khác đến thời kỳ thu hoạch gia đình ông thường bị tư thương ép giá nên phải bán gỗ với giá rẻ. Mỗi hecta rừng gỗ nhỏ trồng 5 năm chỉ có doanh thu từ 60 – 70 triệu đồng. Vì thế, ông Lăng đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn FSC, nhờ đó rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, năng suất và chất lượng gỗ được nâng cao.
“Trải qua nhiều năm tháng gian nan để chuyển đổi, những cánh rừng gỗ lớn FSC của gia đình dần xanh tốt, đến nay tôi đã sở hữu 40 hecta. Rừng có chu kỳ khai thác dài tầm 7-8 năm, cho thu nhập từ 250 – 280 triệu đồng/hecta, còn 5 năm thì thu về khoảng 150 triệu đồng/hecta, lãi cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Với đầu ra đảm bảo, giá cả ổn định, lại được hướng dẫn kỹ quy trình nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân an tâm đầu tư, chăm sóc rừng. Hơn chục năm qua, cuộc sống gia đình thay đổi, dư dã hơn nhiều”, ông Lăng bộc bạch.
Năm 2018, dưới sự hỗ trợ của Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên – Huế (FOSDA), Hợp tác xã (HXT) Hòa Lộc (huyện Phú Lộc) được thành lập theo mô hình lâm nghiệp bền vững nhằm hỗ trợ người dân trong việc trồng rừng đạt chuẩn FSC.
Chia sẻ với PV, ông Hồ Đa Thê – Giám đốc HTX Hòa Lộc cho biết, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức sản xuất trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên cơ sở chi hội thành lập và phát triển từ năm 2012, ban đầu triển khai thí điểm 30 hecta rừng FSC. Sau khi thành lập HTX, các thành viên tham gia góp vốn để đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ. Đến nay, HTX đang có 25 xã viên với 678 hecta rừng FSC, đã xây dựng được chuỗi giá trị từ gieo ươm cây giống, trồng và chăm sóc rừng, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng. Hoạt động chuyên nghiệp nên HTX nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu.
“Gỗ rừng để được cấp chứng chỉ không hề đơn giản, phải đạt các tiêu chí, nguyên tắc nghiêm ngặt. Đây là loại gỗ có giá trị kinh tế cao, xã viên HTX thu lợi lớn. Rừng ở Bến Ván có giá trị trung bình 250 triệu đồng/hecta, thậm chí có lô rừng đạt giá trị đến 350 triệu đồng/hecta. Nếu tính theo thời gian của chu kỳ trồng thì hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn cao hơn rừng gỗ nhỏ khoảng 40 – 50%. Ngày càng có nhiều người ở địa phương trở nên khấm khá từ rừng. Nhà tôi thì đang có 30 hecta rừng FSC, thu nhập khoảng 300 triệu/hecta mỗi chu kỳ trồng” – ông Thê nói.
Tại khu tái định cư Bến Ván, ngoài hộ ông Thê, ông Lăng thì còn rất nhiều hộ dân “đổi đời” từ trồng rừng FSC. Người dân ở đây gọi những cánh rừng này là “vàng xanh” mang lại no ấm, giàu sang. Như hộ ông Nguyễn Chí Lưu đã có trong tay 10 hecta rừng trồng, cũng là điểm thu mua gỗ dăm, gỗ rừng trồng lớn trong vùng. Mới đây, ông Lưu đã “tậu” xe ô tô tiền tỷ. Hay gia đình bà Nguyễn Thị Ba từ một hộ nghèo, sau thời gian làm nghề chăm sóc, khai thác rừng thuê đã mua xe tải chở gỗ thuê cho các chủ rừng, mua hàng chục hecta rừng. Và mô hình rừng FSC của HTX Hòa Lộc trở thành “điểm sáng”, là nơi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của những người trồng rừng trong và ngoài nước.
Còn ở vùng núi xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy), những năm qua, việc chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn cũng đã được đẩy mạnh triển khai. Đến nay, toàn xã đã có hơn 500 hecta rừng FSC, với nhiều nhóm hộ dân thực hiện hiệu quả, thu nhập không ngừng nâng cao.
“Trước đây trồng rừng theo tập quán ngắn ngày, cuộc sống khó khăn, nhờ chuyển qua trồng rừng FSC với cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường đã giúp gia đình có tiền dự trữ, cuộc sống đầy đủ hơn. Hiện nhà tôi trồng khoảng 5 hecta rừng, không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”, anh Nguyễn Nguyện (trú thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa) bộc bạch.
Thừa Thiên – Huế hiện có 304.081 hecta rừng, độ che phủ rừng đang 57,15%. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 11.300 hecta rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC với 1.397 hộ tham gia, 25 HTX lâm nghiệp bền vững hoạt động theo chuỗi giá trị rừng gỗ lớn FSC. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 35 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, đạt 15.000 hecta được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tập trung chủ yếu là rừng FSC |
Góp phần ứng phó BĐKH
Không chỉ có nhà quản lý mà chính người trồng rừng cũng đã nhận thức được lợi ích của rừng gỗ lớn FSC đối với môi trường. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông Trần Đình Thao ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) tham gia HTX lâm nghiệp bền vững Phong Mỹ (được thành lập năm 2018) và chuyển sang trồng rừng FSC với diện tích 3 hecta.
Ông Thao nhận thấy rằng, người trồng rừng FSC thường xuyên được nhà nước tập huấn, hướng dẫn. Trong quá trình chăm sóc rừng không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, trước khi trồng không đốt thực bì. Rừng phải có yếu tố bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Đối với rừng gỗ nhỏ sau khai thác, phải mất ít nhất 2 năm cây rừng mới phát triển để tăng độ che phủ rừng, còn rừng gỗ lớn FSC khi khai thác cũng có chọn lựa nên vẫn giữ được độ che phủ để hạn chế lũ lụt…
Từ khi tỉnh Thừa Thiên – Huế phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nói không với chai nhựa, túi ni lông, ông Hồ Đa Thê cùng với đội ngũ cán bộ HTX Hòa Lộc đến tận các hộ thành viên để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn giống thân thiên với môi trường. Ông Thê đánh giá, người dân đã ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, có nhu cầu dùng giống keo thân thiện với môi trường bằng túi bầu tự hoại, qua đó cải thiện đất đai, góp phần giảm ô nhiễm.
Theo ông Võ Văn Dự – Chủ tịch Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA), trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái. Đồng thời, bồi bổ và bảo vệ đất đai, nguồn nước, lưu giữ carbon, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, đóng góp rất lớn vào mục tiêu giảm phát thải nhà kính.
“Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trồng rừng gỗ lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó BĐKH, FOSDA đang phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đầu tư, hỗ trợ thành lập mới, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, đầu tư sản xuất nguồn giống chất lượng, thân thiện môi trường”, ông Dự thông tin.
Ngày qua ngày, những cánh rừng tràn đầy sức sống, phủ xanh bạt ngàn. Có thể khẳng định, trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC đã tăng hiệu quả kinh tế rõ nét, tạo nguồn nguyên liệu tập trung cho các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu. Không chỉ vậy, trồng rừng FSC còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng BĐKH.