Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sừng tê giác đã ngắn lại trong thế kỷ qua, nguyên nhân có thể do những kẻ săn bắt động vật hoang dã thường nhắm vào những con tê giác có sừng lớn.
Sừng tê giác đã bị con người săn lùng trong nhiều thế kỷ. Đến thời kỳ hiện đại, cho dù hành vi này bị cấm để bảo vệ loài tê giác, vẫn có những kẻ săn trộm tê giác và bán sừng để làm vật trang trí hoặc sử dụng trong các loại thuốc cổ truyền ở Trung Quốc và Việt Nam.
Oscar Wilson, nghiên cứu sinh tại Đại học Helsinki và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu mới về kích thước sừng tê giác, cho biết: “Với loài tê giác, những kẻ săn bắt luôn nhắm đến những con có chiếc sừng lớn nhất”. Wilson cho biết thêm rằng những chiếc sừng lớn sẽ có giá cao hơn khi bán trên chợ đen.
Wilson và các đồng nghiệp cho biết nghiên cứu dựa trên kho hình ảnh về các loài động vật cho thấy kích thước của sừng tê giác, so với chiều dài cơ thể của chúng, đã giảm theo thời gian. Một xu hướng tương tự đã được ghi nhận đối với các sinh vật như voi và cừu hoang dã.
Các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí People and Nature: “Việc lựa chọn săn bắn ưu tiên những cá thể có sừng hoặc ngà lớn hơn dẫn đến việc những cá thể có sừng nhỏ hơn sống sót và sinh sản nhiều hơn, truyền những đặc điểm này cho các thế hệ tương lai và dẫn đến một sự thay đổi về mặt tiến hóa”.
Kho ảnh mà nhóm Wilson phân tích do Trung tâm Tài nguyên Tê giác (RRC) ở Utrecht lưu giữ. Một số ảnh có từ thế kỷ 15.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 80 bức ảnh chụp tê giác từ các phía. Họ tính toán chiều dài của sừng so với thân của động vật, và cũng tính đến sự khác biệt về tỷ lệ và bố cục của mỗi bức ảnh cụ thể. Kết quả, nhóm nghiên cứu có thể đánh giá kích thước tương đối của sừng tê giác đang lớn dần lên hay nhỏ đi so với tỷ lệ trung bình trong tất cả các bức ảnh.
Kết quả cho thấy, so với chiều dài cơ thể, tê giác đen và trắng là 2 loài từng có sừng dài nhất, trong khi tê giác Sumatra có sừng ngắn nhất. Tuy nhiên, đối với cả 5 loài tê giác được ghi nhận, chiều dài tương đối của sừng đã giảm dần theo thời gian.
Wilson lưu ý phần lớn số tê giác này đến từ tự nhiên hoặc được sinh ra từ những con tê giác trước đây sống trong tự nhiên. Điều này cho thấy sự giảm chiều dài sừng có thể phản ánh áp lực chọn lọc mà các loài động vật phải đối mặt trong môi trường sống tự nhiên của chúng, mặc dù các nhà nghiên cứu hiện đang tiến hành các nghiên cứu sâu hơn với các quần thể hoang dã để tìm hiểu xem có xu hướng tương tự hay không.
Mặc dù chưa rõ tác động của sừng ngắn hơn đối với tê giác, Wilson cho biết đặc điểm này có thể gây bất lợi. “Tê giác sử dụng sừng của chúng cho nhiều mục đích, vì vậy việc mất chúng có lẽ sẽ không tốt”, ông nói.
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/nov/01/rhino-horns-have-become-shorter-in-past-century-study-finds