Hơn 130 con hải cẩu chết trên bãi biển Caspi

Bộ Sinh thái Kazakhstan hôm 9/11 báo cáo về cái chết hàng loạt của hải cẩu Caspi trên vùng nước nội địa lớn nhất thế giới.

Ít nhất 131 con hải cẩu Caspi có nguy cơ tuyệt chủng đã được tìm thấy chết dạt vào bờ biển Caspi ở phía tây Kazakhstan, AFP hôm qua đưa tin. Phát ngôn viên của Bộ Sinh thái Kazakhstan cho biết đây là một sự kiện đáng buồn và hiện chưa thể xác định nguyên nhân.

Các chuyên gia môi trường sẽ sớm tiến hành khám nghiệm xác hải cẩu, đồng thời thu thập mẫu đất và nước từ khu vực này để phân tích.

Một con hải cẩu chết trên bờ biển Caspi (Ảnh: AFP)

Hải cẩu Caspi được chính phủ Kazakhstan liệt kê vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng từ 11/2020. Chúng cũng bị phân loại “nguy cấp” trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Đây là một trong những loài hải cẩu không vành tai nhỏ nhất thế giới và chỉ được tìm thấy tại các vùng nước lợ thuộc biển Caspi. Con trưởng thành chỉ dài hơn 1,2 m và nặng khoảng 86 kg.

Quần thể hải cẩu Caspi trong nhiều thập kỷ qua đã phải chịu đựng nạn săn bắt quá mức và ảnh hưởng của ô nhiễm công nghiệp. Các chuyên gia cho biết hiện có khoảng 68.000 con hải cẩu Caspi, giảm rất mạnh so với hơn một triệu con vào đầu thế kỷ 20.

Được bao bọc bởi 5 quốc gia Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Iran và Turkmenistan, biển Caspi là vùng nước nội địa lớn nhất thế giới cả về diện tích và thể tích. Biển trải dài gần 1.200 km từ bắc xuống nam, với chiều rộng trung bình 320 km và độ sâu tối đa 1.025 m. Nó có tổng diện tích bao phủ là 386.400 km2 và chứa khoảng 78.200 km3 nước.

Nguồn: