Các cuộc khủng hoảng địa chính trị, lạm phát tăng và suy thoái kinh tế có thể cản trở các nhà hoạch định chính sách hành động hạn chế biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tập trung tại Ai Cập để cùng đưa ra các cam kết trong cuộc chiến bảo đảm tương lai cho hành tinh xanh. “An ninh khí hậu đi đôi với an ninh năng lượng”, thông điệp này đã được Thủ tướng Anh Rishi Sunak đưa ra tại cuộc đàm phán diễn ra bên lề COP27.
Ông Sunak cho biết: “Cuộc xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng tăng nhanh trên toàn thế giới không phải là lý do để giảm tốc độ chống biến đổi khí hậu. Chúng là lý do để chúng ta hành động nhanh hơn”. Ông cũng nhấn mạnh, việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo chính là cách để các nước tự bảo vệ mình trước những rủi ro do phụ thuộc năng lượng.
Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không hy sinh các cam kết về khí hậu của mình trước mối đe dọa năng lượng từ Nga. Do đó, tất cả các cam kết của các quốc gia phải được thực hiện”.
Theo Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, quốc gia châu Âu này đã khởi động việc đầu tư vào năng lượng tái tạo từ cách đây 15 năm. Bồ Đào Nha cũng là một ví dụ điển hình về việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ góp phần đảm bảo an toàn trước các tình trạng khẩn cấp về nhiên liệu.
Trong khi đó, nghiên cứu được công bố vào tháng trước được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn năng lượng E3G và Ember cho thấy rằng gió và mặt trời đã sản xuất ra một phần tư lượng điện của Liên minh châu Âu kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra vào cuối tháng Hai.
Ngoài những lợi ích về môi trường từ việc chuyển dịch năng lượng, các nhà phân tích tại E3G và Ember cũng chỉ ra việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo giá rẻ sẽ làm giảm mức độ quan tâm của châu Âu với nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ.
Tuy nhiên, ông Aurore Mathieu, thành viên Mạng lưới Hành động Khí hậu nhận xét: “COP 27 đang diễn ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia phía Nam, song song với các cuộc khủng hoảng kinh tế, nợ nần và chủ nghĩa đa phương đang bế tắc”.
Đặc biệt, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đang làm suy giảm các mục tiêu giảm trừ cacbon của châu Âu. Một số chính phủ châu Âu đang xem xét việc sử dụng than đá, loại nguyên liệu gây ô nhiễm nhất, sau khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm. Đức, Ý, Áo và Hà Lan đều cho rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể được sử dụng trong ngắn hạn để bù đắp cho nguồn cung khí đốt của Nga.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết tại COP27 rằng “cuộc chiến ở Ukraine, xung đột ở Sahel, bạo lực và bất ổn ở nhiều nơi khác là những cuộc khủng hoảng tồi tệ đang xảy ra. Nhưng biến đổi khí hậu lại mang đến những hệ quả khác. Đó là vấn đề sẽ quyết định tương lai của chúng ta”.
“Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những rủi ro sâu sắc về việc chúng ta quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các cuộc khủng hoảng khẩn cấp ngày nay không thể là cái cớ cho việc từ bỏ những hành động chống biến đổi khí hậu”, ông Gueterres nhấn mạnh.
Hiện nay, một nhóm của Liên Hợp Quốc được thành lập để hạn chế việc “trốn tránh” các cam kết chất thải ròng bằng 0 của ngành công nghiệp và thúc đẩy các chính phủ ngừng hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò nhiên liệu hóa thạch mới và sử dụng quá mức bù đắp carbon.
“Nhóm chuyên gia cấp cao”, được thành lập vào tháng 3 bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres để tư vấn về các quy tắc nhằm cải thiện tính liêm chính và minh bạch trong các cam kết chất thải ròng bằng 0 theo ngành, khu vực và thành phố, cho biết các kế hoạch khí hậu phải bao gồm cắt giảm sâu hiệu ứng nhà kính trước năm 2030 và không trì hoãn hành động cho đến gần năm 2050.