Ban tổ chức Qatar cam kết sẽ biến World Cup 2022 trở thành giải đấu trung hòa carbon đầu tiên trong lịch sử. Dẫu vậy, một số chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này.
Trong suốt 12 năm trước khi đăng cai giải bóng đá nam World Cup 2022, Qatar xây dựng cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt: 7 sân vận động, hệ thống tàu điện ngầm, đường cao tốc, nhà cao tầng và “thành phố tương lai” Lusail.
Ngoài ra, Qatar còn hứa sẽ tạo ra điểm khác biệt giữa World Cup 2022 và các mùa còn lại: Đây là sẽ mùa World Cup “trung hòa carbon”, hay nói cách khác là không có tác động tổng thể đáng kể tới khí hậu.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về kế hoạch này. Theo AP, các dự án của Qatar và FIFA không làm giảm “dấu chân” carbon như họ quảng cáo.
Mỗi sân bóng cần 10.000 lít nước/ngày
Theo báo cáo chính thức, Qatar và FIFA ước tính World Cup sẽ tạo ra 3,6 triệu tấn CO2 từ các hoạt động liên quan tới giải đấu trong năm 2011-2023. Con số này tương đương 3% tổng lượng khí thải của Qatar vào năm 2019, theo dữ liệu World Bank.
Qatar chuyển giải đấu sang mùa lạnh để giúp các cầu thủ và khán giả thoát khỏi cái nóng khắc nghiệt. Dẫu vậy, quốc gia này vẫn lắp điều hòa tại cả 7 sân vận động mở. Ngoài ra, Qatar cũng dùng các nhà máy khử mặn biến nước biển thành nước ngọt để phục vụ hơn 1,2 triệu người hâm mộ.
Theo Guardian, Qatar cử đội ngũ chăm sóc 144 sân cỏ – gồm 8 sân vận động và 136 sân tập. Họ có hệ thống phả luồng khí lạnh qua các vòi phun trực tiếp trên sân cỏ. Qatar nhận 140 tấn hạt giống cỏ hàng năm từ Mỹ và sân cỏ được tưới bằng nước biển khử muối. Mỗi sân cần 10.000 lít nước khử muối hàng ngày vào mùa đông và 50.000 lít vào mùa hè.
Qatar và FIFA cho biết nguồn phát thải lớn nhất đến từ việc di chuyển. Các chuyến bay từ nước ngoài sẽ chiếm 52% tổng số CO2. Báo cáo cho thấy việc xây dựng các sân vận động, địa điểm tập luyện và hoạt động của các cơ sở này chiếm 25%. Khách sạn và các cơ sở lưu trú trong 5 tuần, bao gồm cả tàu du lịch làm khách sạn nổi, đóng góp 20%.
Tuy nhiên, Carbon Market Watch cho rằng những con số này chưa đầy đủ. Tổ chức này nói Qatar đã đánh giá thấp lượng khí thải carbon từ việc xây dựng 7 sân vận động, khi chia lượng khí thải cho tuổi thọ của các cơ sở theo năm, thay vì tính tổng.
“Đây chính là vấn đề”, Carbon Market Watch nói, cho rằng liệu nếu không có World Cup thì Qatar có xây dựng tận 7 sân vận động không.
Qatar bảo vệ cách tính này, cho biết họ nỗ lực ra sao để tránh những địa điểm bỏ hoang sau khi giải đấu kết thúc. Các quan chức đã lên kế hoạch phát triển từng sân vận động sau khi World Cup kết thúc.
“Chưa có quốc gia nào cùng với công dân sát sao tới vậy để đảm bảo di sản bền vững sau khi FIFA World Cup kết thúc”, phát ngôn viên Uỷ ban Chuyển giao và Di sản tối cao Qatar nói.
Tuy nhiên, những trục trặc vào phút cuối tiếp tục làm ảnh hưởng tới lời cam kết khí hậu của Qatar.
Trong nhiều năm, Qatar nhận định diện tích nhỏ của nước này sẽ giảm thời lượng di chuyển giữa các sân vận động và trận đấu. Tuy vậy, bất chấp nỗ lực xây thêm cơ sở hạ tầng, nước này vẫn thiếu phòng khách sạn. Hàng nghìn người hâm mộ không tìm được chỗ ở tại Qatar sẽ ngủ lại Dubai gần đó – cách 45 phút đi máy bay – và các thành phố vùng Vịnh khác.
Phát ngôn viên Uỷ ban Chuyển giao và Di sản tối cao Qatar khẳng định hệ thống cam kết trung hòa carbon của Qatar là kế hoạch tốt nhất có thể có trong hiện tại.
Nỗ lực “xanh hóa” World Cup
Trọng tâm trong kế hoạch giảm khí thải World Cup của Qatar là đền bù carbon (hay tín chỉ carbon), đề cập tới việc tìm cách loại bỏ hoặc hấp thụ lại cùng lượng khí thải do sự kiện thải ra.
Về lý thuyết, điều này đồng nghĩa lượng CO2 từ việc di chuyển và các dự án xây dựng liên quan tới World Cup sẽ được giảm bớt bằng các dự án trồng cây và kế hoạch bền vững khác.
Cho đến nay, ban tổ chức Qatar cam kết mua 1,8 triệu khoản đền bù carbon từ Hội đồng Carbon toàn cầu – cơ quan đăng ký tín chỉ carbon có trụ sở tại Doha. Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 loại khỏi bầu khí quyển.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chất lượng từ các khoản tín chỉ carbon mà Qatar đã đăng ký chưa rõ ràng, bởi không rõ chúng sẽ bổ sung hay tài trợ cho các dự án giảm thiểu carbon mà lẽ ra không tồn tại.
Ngoài ra, họ cũng nói tín chỉ carbon thường đem lại nhiều hy vọng hơn là thực sự có ý nghĩa thực tiễn. Phần lớn thị trường tín chỉ carbon toàn cầu vẫn chưa được kiểm soát.
Tuy nhiên, ban tổ chức Qatar khẳng định quốc gia này đang nỗ lực đưa World Cup 2022 thành sự kiện đầu tiên đạt trung hòa carbon.
“Mục tiêu của chúng tôi là bù đắp tất cả lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời thúc đẩy các giải pháp carbon thấp ở Qatar và khu vực”, Al Jazeera trích tuyên bố trên trang web Qatar World Cup 2022. “Giải đấu trung hòa carbon thực hiện thông qua quy trình 4 bước: Nhận thức, đo lường, giảm thiểu và đền bù. Chúng tôi đang có bước tiến nhanh chóng trong mọi bước”.
Qatar chỉ ra các yếu tố xanh trong kế hoạch của nước này: 800 xe buýt điện, 16.000 cây xanh và gần 700.000 bụi cây, cùng nhà máy điện mặt trời mới.
“Những điều này thực sự đóng góp vào hệ thống năng lượng cho Qatar. Trước đây, chúng tôi chỉ dùng khí đốt để tạo ra năng lượng”, Saud Ghani – giáo sư kỹ thuật tại Đại học Qatar, người thiết kế hệ thống điều hòa không khí cho các sân vận động – cho biết.
Ban tổ chức nhiều lần khẳng định quyết định đền bù carbon của Qatar nên được công nhận, thay vì chỉ trích.
Karim Elgendy – thành viên Chatham House ở London, người từng tư vấn khí hậu cho World Cup – cho biết nỗ lực “xanh hóa” giải đấu của Qatar cho thấy xu hướng tích cực trong tổ chức sự kiện thể thao.
Bà chỉ ra rằng nỗ lực này cho thấy Qatar – một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới – đang nỗ lực để cải thiện hồ sơ uy tín về khí hậu, ngay cả quốc gia này làm theo cách phù hợp với họ.