Bảo vệ khẩn cấp chim cánh cụt hoàng đế

Chim cánh cụt hoàng đế – loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới và là đặc hữu của vùng Nam Cực đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi nhiệt độ trái đất nóng lên.

Chim cánh cụt hoàng đế. Ảnh: AP

Vào tuần trước, Cơ quan Bảo vệ cá và động vật hoang dã của Mỹ liệt kê chim cánh cụt hoàng đế là một trong các loài nguy cấp, bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu làm tan băng biển mà chim cánh cụt phụ thuộc để sinh tồn.

Chim cánh cụt hoàng đế dựa vào băng biển để tạo thành đàn sinh sản, tránh những kẻ săn mồi dưới đại dương và kiếm ăn. Nhưng khi nhiệt độ trái đất tăng lên liên quan đến khí thải nhà kính (CO2) như hiện nay, băng biển tan chảy hoặc tan vỡ sớm hơn trong mùa so với dự kiến​, toàn bộ đàn chim cánh cụt có thể suy giảm và biến mất.

Chim cánh cụt hoàng đế là loài cao nhất và nặng nhất trong số 18 loài chim cánh cụt. Chúng có thể nặng tới 40kg và cao 1,1m. Đạo luật về các loài nguy cấp là luật môi trường mạnh nhất thế giới tập trung vào việc ngăn chặn sự tuyệt chủng và tạo điều kiện phục hồi các loài bị đe dọa.

 

Ông Martha Williams, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ cá và động vật hoang dã Mỹ nói: “Điều này phản ánh cuộc khủng hoảng tuyệt chủng ngày càng tăng và nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo luật về các loài nguy cấp và nỗ lực bảo tồn các loài trước khi sự suy giảm của chúng trở nên không thể đảo ngược”.

Theo các nhà khoa học, biển băng ở Nam Cực tan chảy hơn 60% trong 30 năm. Nếu chim cánh cụt hoàng đế bị tổn thương và suy giảm, rất có thể các loài khác trong hệ sinh thái cũng gặp rủi ro do khủng hoảng khí hậu. Biến đổi khí hậu đang có tác động sâu sắc đến các loài trên khắp thế giới.

Mới đây, Hiệp hội Audubon quốc gia Mỹ cho rằng một nửa trong tổng số 525 loài trú ẩn trong hệ thống khu bảo tồn động vật hoang dã sẽ biến mất do những thay đổi về môi trường sống của chúng khi nhiệt độ toàn cầu tăng mà không được kiểm soát.

Theo thống kê, hiện có khoảng 61 đàn chim cánh cụt hoàng đế sinh sản dọc theo bờ biển Nam Cực, từ 270 nghìn đến 280 nghìn cặp sinh sản (hoặc 625 nghìn đến 650 nghìn cá thể chim cánh cụt, gồm cả chim con).

Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, dẫn đến nhiệt độ ấm lên và băng ở Nam Cực tan chảy, 98% quần thể chim cánh cụt hoàng đế có thể biến mất vào năm 2100.

Nhà khoa học Stephanie Jenouvrier tại Viện Hải dương học Woods Hole nói: “Liệt kê chim cánh cụt hoàng đế – loài bị đe dọa là một bước quan trọng để nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu, thiết lập các chiến lược để tăng khả năng phục hồi của các loài bị đe dọa, giúp cứu chim cánh cụt hoàng đế khỏi nguy cơ tuyệt chủng hoặc tuyệt chủng trong tương lai. Chim cánh cụt hoàng đế, giống như nhiều loài trên trái đất, phải đối mặt với tương lai không chắc chắn, phụ thuộc việc mọi người cùng làm để giảm ô nhiễm CO2”.

Trước đó, gấu Bắc Cực là loài đầu tiên được liệt kê là bị đe dọa do biến đổi khí hậu theo Đạo luật về các loài nguy cấp vào năm 2008. Kể từ đó, nhiều quần thể gấu Bắc Cực trên thế giới ổn định, nhưng chúng vẫn dễ bị tổn thương khi cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp diễn.

Kể từ năm 2017, các nhà nghiên cứu khác gắn thẻ vi mạch cho 300 chú chim cánh cụt mỗi năm nhằm đo lường sức khỏe của các hệ sinh thái biển ở Nam Cực để theo dõi các quần thể chim cánh cụt hoàng đế trong 30 năm tới.