Theo báo cáo vừa được Chương trình Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 3/11, khi những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, các quốc gia phải tăng cường biện pháp để giúp các nước và cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đó không chỉ là việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà là giúp các quốc gia chuẩn bị cho sự gia tăng nhiệt độ vốn sẽ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính cần thiết cho nỗ lực này vẫn thấp hơn nhu cầu từ 5 – 10 lần.
“Nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dự báo sẽ tăng lên 340 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030″ – Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết. “Tuy nhiên, hỗ trợ cho việc thích ứng hiện chỉ chiếm chưa đến 1/10 số tiền đó. Những người và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất đang phải trả giá. Và điều đó là không thể chấp nhận được”.
Trước khi khai mạc các cuộc đàm phán về khí hậu tại COP27 ở Sharm El-Sheikh, người đứng đầu Liên hợp quốc nhắc nhở các quốc gia thành viên rằng “việc thích ứng với biến đổi khí hậu phải được đối xử nghiêm túc, phản ánh giá trị bình đẳng của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại”, và rằng đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại về việc thích ứng với khí hậu toàn cầu “loại bỏ các lý do bào chữa và sử dụng các công cụ cần thiết để giải quyết các vấn đề”.
Theo các tác giả của báo cáo, những trận lũ lụt khủng khiếp ở Nam Á, hạn hán kéo dài nhiều năm ở vùng Sừng châu Phi và các đợt nắng nóng đổ bộ vào bán cầu Bắc vào mùa hè này là bằng chứng về rủi ro khí hậu gia tăng, trong khi các quốc gia tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris dự đoán hiện tượng ấm lên toàn cầu từ 2,4 – 2,6 độ C trước cuối thế kỷ này.
Tuy nhiên, sự gia tăng các biện pháp thích ứng trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nước và hệ sinh thái vẫn chưa tỷ lệ thuận với rủi ro khí hậu. Trên hết, dòng tài chính quốc tế dành cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực này đạt đỉnh 29 tỷ USD vào năm 2020, tăng 4% so với năm 2019, nhưng vẫn còn nhỏ so với nhu cầu ước tính từ 160 – 340 tỷ USD vào năm 2030 và trong phạm vi 315 – 565 tỷ USD vào năm 2050.
Theo báo cáo, hiện tượng nóng lên toàn cầu không thể tránh khỏi đòi hỏi phải đặt vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vào trung tâm, cùng với giảm nhẹ thông qua giảm khí nhà kính, trong ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu. UNEP cho biết hơn 8 trong số 10 quốc gia có ít nhất một công cụ quốc gia để lập kế hoạch thích ứng và các công cụ này đang được cải thiện và trở nên bao trùm hơn.
1/3 trong số 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đưa ra các mục tiêu định lượng và có thời hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, gần 90% các công cụ lập kế hoạch được phân tích có tính đến bình đẳng giới và các nhóm yếu thế, chẳng hạn như người dân tộc bản địa.
Báo cáo cũng đề cập đến những đánh đổi cần thiết giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro khí hậu cần diễn ra ngay từ khâu lập kế hoạch, tài chính và thực hiện. Các tác giả kết luận rằng cần có ý chí chính trị mạnh mẽ để mở rộng quy mô đầu tư và kết quả thích ứng.