Nhiều diện tích đất rừng ở Hà Tĩnh thời gian qua đã được người dân tự ý cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng khi chưa được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền.
Tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh thời gian qua, trên phần đất lâm nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình, UBND xã, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ quản lý xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng. Một số đối tượng thậm chí còn cố tình xâm hại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Đáng nói, tình trạng vi phạm có chiều hướng ngày càng phức tạp, tiềm ẩn mất an ninh trật tự; tính chất, mức độ vi phạm ngày càng tăng (tăng cả về số lượng người vi phạm, diện tích vi phạm) và có biểu hiện xem thường pháp luật, chính quyền và lực lượng chức năng; một số đối tượng cố tình xâm hại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Liên quan đến việc làm trái pháp luật này, đối tượng Lê Quang Vinh (trú tại xóm 1, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) đã thuê người vào các khoảnh 4, 4a, 5, 5a (Tiểu khu 251A, xã Phúc Trạch thuộc BQL Rừng phòng hộ Hương Khê quản lý) chặt phá rừng với diện tích lên đến 4,7213 ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 2,7935 ha, diện tích rừng sản xuất 1,9278 ha.
Sau quá trình điều tra, đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Quang Vinh về hành vi “hủy hoại rừng”. Được biết, khi làm rõ, đối tượng thừa nhận đã tự ý thực hiện chuyển đổi đất rừng với mục đích trồng cây keo.
Ông N.V.N bức xúc, ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê bức xúc: “Việc gia đình ông Vinh tự ý phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng không những hủy hoại diện tích rừng phòng hộ mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tạo tiền lệ xấu, nguy cơ xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng”.
Cũng với mục đích trồng keo, từ tháng 2 đến tháng 5/2022, đối tượng Nguyễn Văn Hà (trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Hương Khê) đã thuê người vào Khoảnh 2, Tiểu khu 244, xã Hương Xuân chặt phá 3,5651 ha rừng sản xuất. Ngăn chặn sự việc, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Hương Khê đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hà, về hành vi “hủy hoại rừng”.
Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Hương Khê, việc tự ý chuyển đổi đất rừng còn xảy ra tương tự ở nhiều hộ dân khác. Như tại xã Lộc Yên, ở các khoảnh 1, khoảnh 3 tiểu khu 227 đã xẩy ra 11 vụ sẻ phát chặt phá lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên diện tích 8,604 ha do xã quản lý. Theo đó có 8 vụ chặt phá lấn chiếm đất rừng để trồng keo lá tràm đã bị UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê, trong 7 tháng năm 2022, đơn vị đã phối hợp Công an huyện và các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 39 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn. Ngoài những vụ vi phạm có tính chất phức tạp nói trên, ngành chức năng đã xử lý hành chính 35 vụ, phạt tiền gần 500 triệu đồng (trong đó xử phạt 17 vụ về hành vi phá rừng với số tiền 419.500.000 đồng), tịch thu gần 11 m3 gỗ và 7 phương tiện, dụng cụ vi phạm các loại.
Ông Nguyễn Mạnh Tài, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê phân tích, bên cạnh các yếu tố khách quan như diện tích rừng rộng, địa hình chia cắt, phức tạp, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng mỏng thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan từ các địa phương, chủ rừng.
Các chủ rừng là hộ gia đình được giao đất, giao rừng chưa phát huy được vai trò trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người được giao đất, giao rừng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, chính quyền một số xã có biểu hiện buông lỏng, chưa tập trung quyết liệt, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.
Cùng với Hương Khê, tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang…nhiều vụ việc lấn chiếm đất rừng cũng đã diễn ra. Kiểm tra nội dung phản ánh, tại khoảnh 4, Tiểu khu 325A, địa bàn xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, lực lượng chức năng phát hiện nhiều cây gỗ tự nhiên từ nhóm 5 đến nhóm 8 bị chặt phá. Điều đáng nói, phần lớn số cây này nằm trong phần rừng khoảng 5,5 ha được giao khoán cho ông Nguyễn Văn Đức, hiện đang là Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để trồng keo.
Ông Nguyễn Cự Duẩn, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Tình trạng xâm hại rừng và đất rừng ở một số địa phương có chiều hương gia tăng cả về số lượng người vi phạm, diện tích vi phạm. Đặc biệt là các địa phương có diện tích đất rừng tự nhiên lớn như: Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh….
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 98 vụ vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ rừng, trong đó: khởi tố vụ án hình sự 4 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 94 vụ, tịch thu 7 phương tiện; tổng tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. |