Sở dĩ phát triển điện gió ngoài khơi rất kén nhà đầu tư là bởi lĩnh vực mới mẻ này đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, và quy mô vốn đầu tư lớn. Nếu không sớm xây dựng được cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, sẽ rất khó thu hút được những “đại bàng” đến đầu tư.
Ðề xuất cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu
Để xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi, lúc này chưa có doanh nghiệp trong nước nào đủ tiềm lực. Do đó, các doanh nghiệp trong nước lựa chọn phương án tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài để thực hiện dự án. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thuyết phục nhà đầu tư khi mà chính sách với điện gió ngoài khơi, đặc biệt là chính sách giá còn chưa được xác định.
Nói về việc huy động nguồn vốn, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Trung Nam Lê Như Phước An chia sẻ: Để nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận “rót” vốn, thị trường phải đủ hấp dẫn, ít rủi ro, sinh lời cao. Vấn đề đang khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc là việc xác định các tiêu chí, cơ chế để phát triển điện gió ngoài khơi. Muốn quản lý được dòng vốn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng chính sách rõ ràng và có thể dự báo được. Do đó, chúng ta phải tháo gỡ được những điểm nghẽn, đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách giá.
Tương tự, ông Mark Hutchinson, đại diện Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cũng cho rằng: Sự phát triển về công nghệ đã kéo giảm chi phí thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi, tạo động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn phải đầu tư hàng tỷ USD cho một dự án, dù nhỏ nhất. Trong bối cảnh ngân hàng trong nước giới hạn khoản vay thì những đơn vị nước ngoài đầu tư vào là cần thiết.
Yêu cầu tiên quyết với các ngân hàng nước ngoài là cần tính toán được rủi ro và dự toán tài chính thông qua cơ chế giá và những điều khoản ở hợp đồng mua bán điện thể hiện điều khoản về giảm công suất trong hợp đồng mua bán điện… Vậy nên, cả nhà đầu tư, lẫn ngân hàng, đều cần sự rõ ràng, ổn định về chính sách.
Cũng cần phải tính đến thực tế, một số nhà đầu tư có thể sẽ bỏ thầu do không đủ năng lực đeo đuổi một lĩnh vực còn quá mới mẻ… Điều này dẫn đến những rủi ro và hệ lụy cho cả các nhà đầu tư khác cũng như việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.
Để ngăn ngừa điều này, phần lớn các nhà đầu tư và chuyên gia cho rằng, cần áp dụng cơ chế chuyển tiếp trước đấu thầu. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, trong giai đoạn đầu, cần cân nhắc chính sách giá cố định, hoặc lựa chọn nhà đầu tư cố định để thúc đẩy phát triển và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, họ cũng dùng chính sách giá cố định hoặc lựa chọn nhà đầu tư.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Nguyễn Thị Thanh Bình kiến nghị, trong giai đoạn khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư (không qua đấu thầu). Tuy nhiên, sẽ cần có cơ chế chặt chẽ để sàng lọc doanh nghiệp bảo đảm minh bạch, hiệu quả trên cơ sở đưa ra yêu cầu phải đáp ứng được các tiêu chí đặt ra về năng lực, kinh nghiệm, tài chính, phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước… Đề xuất này nhằm rút ngắn giai đoạn lựa chọn, giúp các dự án sớm được triển khai, vận hành trước năm 2030. Các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng áp dụng cơ chế giá ưu đãi (FIT) để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu.
Đồng quan điểm trên, ông Mark Hutchinson nhận định: dù cần phải bắt đầu nghĩ đến cơ chế đấu thầu cho điện gió ngoài khơi từ bây giờ, nhưng vẫn phải áp dụng cơ chế chuyển tiếp vì chính sách đấu thầu cần vài năm mới có thể hoàn thiện. Để đạt được mục tiêu 7GW vào năm 2030, Việt Nam cần cơ chế chuyển tiếp. Cần có nơi giải quyết thủ tục kiểu “một cửa” vì quy trình cấp phép dự án điện gió ngoài khơi liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Xây dựng khung pháp lý hiệu quả
Là nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners tại Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc của Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn cho rằng: Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, những cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải khí CO2, và xu hướng chuyển dịch năng lượng… đã đưa điện gió ngoài khơi lọt vào “tầm ngắm” của không ít nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thị trường đang thiếu nền tảng ổn định để ngành công nghiệp có vốn đầu tư cao và rất phức tạp này hình thành. Nếu chính sách còn chưa rõ ràng sẽ dễ dẫn đến gia tăng chi phí, vì nhà đầu tư phải dự phòng một khoản ngân sách lớn trong trường hợp các dự án bị đình trệ hoặc hủy bỏ, những rủi ro thường xảy ra ở các thị trường mới.
“Không có lộ trình rõ ràng để tiếp cận thị trường, nhà đầu tư không thể thiết kế một kế hoạch kinh doanh vững chắc để thuyết phục các bên cho vay và ngân hàng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự khởi tạo ngành công nghiệp này trước khi nó bắt đầu. Việc phát triển điện gió ngoài khơi cần có một khung pháp lý hiệu quả, để thu hút nhiều nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp và các tổ chức tài chính trên toàn thế giới…”, ông Stuart Livesey nhấn mạnh.
Chia sẻ từ các doanh nghiệp cho thấy, khung thời gian phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi có thể kéo dài từ 5-11 năm, bao gồm các bước: khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử… Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu về phát triển điện gió ngoài khơi, có rất nhiều việc cần phải triển khai ngay từ bây giờ. Trước hết, cần tập trung vào việc xây dựng các cơ chế đặc thù dựa trên khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Bởi đây là điều kiện cần để các doanh nghiệp xây dựng bài toán đầu tư dựa trên các thông số để xây dựng phương án huy động vốn và khắc phục rủi ro khi cần thiết. Chính sách đi trước sẽ tạo được dòng vốn dồi dào đưa những dự án điện gió ngoài khơi không chỉ hiển hiện trên hồ sơ mà trở thành hiện thực sinh động, mang đến nguồn điện cho phát triển bền vững.