Cú mèo Príncipe mới đối mặt với nhiều nguy hiểm

Loài cú này hiện có khoảng 1.000-1.500 cá thể và chỉ phân bố ở một khu vực nhỏ ở phía nam đảo Príncipe (São Tomé và Príncipe).

Ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Phi có một hòn đảo nhỏ tên là Príncipe. Nơi đây thường xuất hiện những tiếng rít kỳ lạ gây ám ảnh vào đêm khuya. Một số người cho biết họ từng nghe thấy những âm thanh phát ra từ khu rừng già ở phía nam hòn đảo – nơi không có người sinh sống.

Tiếng rít kỳ lạ thường xuất hiện sau khi mặt trời lặn. Những người từng nghe thấy âm thanh này mô tả tiếng rít giống như tiếng kêu của côn trùng, mèo hoặc là tiếng kêu của khỉ.

Theo National Geographic, người dân địa phương lần đầu tiên nghe thấy âm thanh này vào năm 1928. Nhưng thời điểm đó, họ không có phương tiện để tìm hiểu, khám phá nguồn gốc âm thanh. Do đó, tiếng rít trở thành một điều bí ẩn đối với người dân sống trên đảo Príncipe.

Truy tìm tiếng kêu bí ẩn
Nguồn gốc của tiếng ồn kỳ lạ được xác định là loài cú có đôi mắt nhỏ màu vàng. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí ZooKeys vào đầu tháng 11, tên chính thức của loài động vật này là cú mèo Príncipe hoặc Otus bikegila.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm hiểu hết cuộc sống về đêm của Otus bikegila, ví dụ như cách nó ăn, săn mồi, hoặc ý nghĩa của những âm thanh bất thường chúng phát ra mỗi đêm.

Cái tên Otus bikegila được ghép từ Otus và Bikegila. Trong đó, Otus là tên chung được dùng cho những loài cú săn mồi nhỏ phân bố khắp lục địa Á – Âu và châu Phi, Bikegila là biệt danh của Ceciliano do Bom Jesus – người làm việc trên đảo Príncipe và có công tìm ra cú mèo Príncipe.

Ông Bikegila hỗ trợ các nhà khoa học tìm kiếm tung tích của cú mèo Príncipe. Ảnh: The Conversation.

Ông Bikegila hỗ trợ các nhà khoa học tìm kiếm tung tích của cú mèo Príncipe. Ảnh: The Conversation.
Ông Bikegila từng là một người chuyên săn bắt vẹt trên đảo Príncipe để bán cho những người có nhu cầu. Sau khi việc săn vẹt bị cấm, ông chuyển sang làm việc trong khu bảo tồn thiên nhiên của đảo Príncipe. Ông Bikegila chính là một trong những người đầu tiên phát hiện cú mèo Príncipe trong một lần đi săn vẹt vào đầu những năm 1990.

Suốt 1/4 thế kỷ qua, ông Bikegila đã hỗ trợ các nhà khoa học trong những chuyến thám hiểm hòn đảo để tìm kiếm cú mèo Príncipe. Kết quả, tháng 7/2016, nhóm nghiên cứu thu thập được hình ảnh đầu tiên về loài này. Đến cuối tháng 5/2017, ông Bikegila và nhà nghiên cứu Hugo Pereira lần đầu tiên bắt được một cá thể cú mèo Príncipe còn sống.

Cá thể cú mèo này được các nhà khoa học sử dụng để mô tả các nét đặc trưng về ngoại hình. Sau đó, họ sử dụng các mẫu vật và DNA thu thập được để chứng minh cú mèo Príncipe có sự khác biệt so với các loài cú mèo khác.

Cú mèo Príncipe đang gặp nguy hiểm
Cú mèo Príncipe là loài chim đặc hữu thứ tám ở đảo Príncipe, nghĩa là chúng không xuất hiện ở những nơi khác trên Trái Đất. Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra toàn bộ đảo Príncipe để xác định nơi phân bố và quy mô của loài này.

Kết quả được công bố trên tạp chí Bird Conservation International cho thấy cú mèo Príncipe chỉ được tìm thấy trong khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở phần phía nam hòn đảo – nơi không có người ở.

Bà Bárbara Freitas, nhà sinh vật học tiến hóa tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia ở Madrid (Tây Ban Nha), tin rằng việc cú mèo Príncipe chỉ phân bố ở một khu vực nhỏ là do cuộc sống của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào khu rừng đó.

Khu rừng nơi loài cú sinh sống đang được bảo vệ, nhưng nó cũng có thể dễ dàng bị phá hủy. Bà Freitas lấy ví dụ kế hoạch xây đập thủy điện gần đó có thể dẫn đến nạn phá rừng, khiến cú mèo Príncipe mất đi môi trường sống và gặp nguy hiểm.

Đảo Príncipe có diện tích khoảng 139 km2. Nhóm nghiên cứu ước tính khu vực nơi cú mèo Príncipe sinh sống chỉ rộng khoảng 15 km2. Trong khu vực nhỏ này, mật độ cú tương đối cao, khoảng 1.000-1.500 cá thể.

Tuy nhiên, do cú mèo Príncipe chỉ tập trung sinh sống ở một khu vực rất nhỏ, các nhà khoa học đề xuất đưa loài chim này vào nhóm “cực nguy cấp” – cấp độ cao nhất trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Hiện, tổ chức này vẫn đang xem xét đề xuất của các nhà khoa học.

Nguồn: