Theo các nhà nghiên cứu, từ những năm 1990 đến nay, phía nam toàn cầu đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại mặc dù ít tạo ra khí thải nhất.
Theo một nghiên cứu, sóng nhiệt do con người gây ra đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 16 tỉ USD kể từ những năm 1990.
Nghiên cứu tính toán tác động tài chính của nắng nóng khắc nghiệt đối với các cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng suất, sức khỏe con người và các lĩnh vực khác.
Ông Justin Mankin, trợ lý giáo sư địa lý tại Đại học Dartmouth, cho biết: “Chúng ta đã đánh giá thấp các thiệt hại của nền kinh tế vì trái đất nóng lên quá nhanh, và có lẽ cũng đang đánh giá thấp những hệ quả sẽ xảy đến trong tương lai.”
Mặc dù có lượng khí thải carbon thấp nhất, nhưng các vùng nhiệt đới và phía nam bán cầu lại chịu gần như toàn bộ gánh nặng kinh tế của cái nóng khắc nghiệt. Nguyên nhân là vì khu vực này ấm hơn và do đó bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi sóng nhiệt, với đặc tính dễ bị tác động về mặt kinh tế, các quốc gia khu vực này sẽ hứng chịu đầu tiên nếu suy thoái kinh tế xảy ra và chi phí thích ứng với khủng hoảng khí hậu tăng lên.
Với dữ liệu từ hơn 66% dân số thế giới, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo nhiệt độ từ khoảng thời gian 5 ngày nóng nhất trong những năm từ 1992 đến 2013 và so sánh chúng với dữ liệu kinh tế quốc gia từ cùng thời kỳ đó, được phân đoạn cho các khu vực.
Ông Christopher Callahan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Dartmouth, cho biết nắng nóng cực độ có nhiều tác động đến con người và nền kinh tế: “Chúng ta đều biết rằng sóng nhiệt có thể giết chết cây trồng và gây ra đột quỵ do nắng nóng, nhưng chúng cũng có những tác động khác như gia tăng sự hung hăng giữa các cá nhân, tăng tỷ lệ đau ốm tại nơi làm việc và giảm hiệu suất tinh thần.”
Cho đến gần đây, hầu hết các nghiên cứu về chủ đề này đều dựa trên giá trị trung bình, nhưng những nghiên cứu này có thể che giấu tác động của các sự kiện cục bộ và tạm thời, theo Tiến sĩ Leonie Wenz, phó trưởng phòng nghiên cứu về khoa học tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam.
“Chúng không phản ánh đầy đủ cách chúng ta bị tác động bởi sóng nhiệt. Điều thực sự quan trọng là chúng ta bị ảnh hưởng từ ngày này qua ngày khác về mặt sức khỏe, năng suất.”
Nghiên cứu chỉ ra rằng các khu vực giàu có nhất thế giới, chẳng hạn như khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, bị thiệt hại trung bình 1,5% GDP trên đầu người mỗi năm do nắng nóng khắc nghiệt. Để so sánh, các khu vực thu nhập thấp – chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia – đã ghi nhận mức thiệt hại 6,7% GDP bình quân đầu người hàng năm.
Ông Mankin cho biết dự luật về vấn đề này đã được thực hiện chủ yếu bởi các quốc gia không được hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Ông nói: “Các quốc gia có thu nhập thấp đã được yêu cầu phát triển và công nghiệp hóa trong một nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn bất lợi cho họ về mặt chiến lược. Và họ đang xoay xở thực hiện điều đó trong khi cũng chịu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do phía bắc bán cầu tạo ra, một sự bất lợi nhân đôi.”