Châu Âu: Khủng hoảng năng lượng làm tăng giá củi và nguy cơ tàn phá rừng

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã đẩy giá khí đốt tăng cao và nguồn cung cũng bị hạn chế, người dân trong khu vực đã chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu rẻ tiền hơn để thỏa mãn nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông. Hiện nay rất nhiều hộ gia đình ở các quốc gia châu Âu đang tăng cường tích trữ củi khô để dự phòng cho mùa đông lạnh giá sắp tới.

Giá củi tại châu Âu đã tăng vọt kể từ đầu năm nay trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Gia đình ông Tudor Popescu ở ngoại ô Thủ đô Chisinau của nước Cộng hòa Moldova trước kia chỉ đốt củi để sưởi ấm vào ban đêm và dùng khí đốt tự nhiên vào buổi sáng. Nhưng kể từ khi nguồn cung khí đốt trở nên khan hiếm, người dân ở quốc gia đông Âu nhỏ bé này buộc phải lựa chọn nguồn nhiên liệu tự nhiên để thay thế là gỗ, thay thế hoàn toàn cho khí đốt tự nhiên. Khi nhu cầu tích trữ và sử dụng củi đốt ngày càng tăng, tình trạng thiếu hụt và thậm chí là nạn trộm cắp gỗ và chặt phá rừng cũng bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn.

Mật độ khai thác rừng ở châu Âu tăng đột biến đã buộc các nhà quản lý và bảo vệ rừng phải trang bị thiết bị bảo vệ bằng hệ thống định vị GPS để giám sát hoạt động khai thác rừng, trước lo ngại tác động về môi trường ngày càng tăng do ô nhiễm không khí xuất phát từ việc đốt củi và nạn chặt phá cây rừng không kiểm soát.

Các nhà lãnh đạo Moldova, quốc gia nghèo nhất châu Âu, lo ngại rằng mùa đông năm nay sẽ trở nên khắc nghiệt hơn đối với người dân nước này vì chi phí cho điện và nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, khi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021.

Gần đây, tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom đã cắt giảm 30% nguồn cung cấp khí đốt cho Moldova và đe dọa có thể sẽ cắt giảm thêm. Nhu cầu tìm kiếm củi đốt đang tăng lên không chỉ ở những nước nghèo như Moldova, mà hầu như đang lan rộng ra những khu vực giàu hơn ở châu Âu.

Tại Đức, Ba Lan và CH Séc, các khu rừng thuộc sở hữu của nhà nước đang chứng kiến nhu cầu khai thác gỗ tăng mạnh trong khi lượng gỗ được phép bán ra rất hạn chế, vì đây là một phần trong hoạt động quản lý rừng bền vững.

Theo ban quản lý rừng ở bang Hesse miền Tây Nam nước Đức, rất nhiều đơn đặt hàng đến từ những người mà trước đây chưa bao giờ mua gỗ, và dường như họ không biết rằng cần phải mua gỗ trước 2 năm để chúng có thể khô và thành củi bỏ vào lò đốt. Cơ quan kiểm lâm của Đức cũng ghi nhận nhiều trường hợp người dân tự vào rừng để thu gom cây ngã đổ mà không biết đó là hành động bất hợp pháp.

P.Lan (THEO AP)