UBND tỉnh Lâm Đồng vừa duyệt chi số tiền trên 19 tỉ đồng để đầu tư trồng mới, khôi phục hơn 236,46ha đất rừng trong năm 2022.
Dự án trên thuộc Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án là trồng lại rừng trên diện tích đất đã giải tỏa để đảm bảo độ che phủ, phát huy chức năng, hiệu quả phòng hộ của rừng.
Qua đó, tránh tình trạng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp; tạo việc làm, thu nhập cho người dân trong khu vực; nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại đơn vị chủ đầu tư; góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Theo đó, 13 ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn sẽ là chủ đầu tư của dự án khôi phục lại rừng. Các chủ đầu tư sẽ tổ chức trồng lại rừng sau giải tỏa ngay trong năm 2022 trên diện tích 236,46ha và tiến hành chăm sóc rừng trồng.
Số tiền thực hiện dự án này là 19,2 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công thuộc Đề án Khôi phục, phát triển rừng Lâm Đồng. Quá trình thực hiện, các chủ đầu tư sẽ trồng thông 3 lá, 1 năm tuổi với mật độ 2.200 cây/ha, trên diện tích hơn 220ha. Ngoài ra, các chủ đầu tư sẽ trồng thêm cây dầu rái, 2 năm tuổi với mật độ 833 cây/ha trên diện tích 4,54ha. Diện tích còn lại sẽ được trồng sao đen, dầu rái, keo lai với diện tích 11,53ha.
Đơn vị có diện tích trồng lại rừng sau giải tỏa nhiều nhất là Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, ở huyện Lạc Dương với diện tích 56,26ha nằm trên địa bàn 3 xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais và xã Lát.
Đề án Khôi phục, phát triển rừng Lâm Đồng đặt ra mục tiêu triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn, theo lộ trình và có hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia.
Đề án cũng nhằm mục đích kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Từ đó, khôi phục và phát triển rừng bền vững trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng, giảm thiểu tác động ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu…