Kể từ khi mô hình trồng rừng FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững) ra đời, đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Với 100ha rừng, một hộ gia đình cũng có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Rừng không phụ người
Ông Bùi Hải Thân, một người dân tham gia trồng rừng ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ, cách đây 15 năm nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và kinh phí của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và các cơ quan quản lý về lâm nghiệp, gia đình ông thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC. Mặc dù những năm đầu cuộc sống gia đình khá vất vả vì thu nhập không được bao nhiêu nhưng gia vẫn tâm huyết với nghề.
10 năm gần đây, nhờ bám rừng, kinh tế của gia đình ông trở nên khấm khá hơn. “Tôi đã mua được xe hơi, bố tôi tạo dựng được trang trại, tất cả là nhờ vào trồng rừng. Mỗi ha rừng theo FSC, gia đình thu về từ 250-300 triệu đồng, gấp đôi rừng trồng bình thường. Hiện gia đình tôi đang quản lý 180 ha rừng” – ông Thân nói.
Ông Đỗ Minh Hải – một người trồng rừng khác ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã nhìn thấy sự thay đổi trong những năm qua, cách làm theo mô hình FSC thực sự cải thiện môi trường tốt hơn. Đặc biệt việc không khai thác gần các ao hồ, sông suối đã bảo về được nguồn nước và chất lượng nước, các cây bản địa được trồng xen kẽ.
“Hiện tại 100ha rừng gia đình quản lý mỗi năm cũng thu về gần 1 tỷ đồng tiền cành và khoảng 5 tỷ đồng thân cây” – ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Đức – Giám đốc một doanh nghiệp trồng rừng ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, biến đổi khí hậu gia tăng khiến người ta càng nhận ra tầm quan trọng của quản lý và khai thác rừng bền vững. Qua chương trình trồng rừng FSC đã và đang mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng, hỗ trợ công tác bảo tồn môi trường, nguồn nước và đa dạng sinh học.
Ngoài các địa phương nêu trên, mô hình FSC hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Tuyên Quang…đã giúp người dân trồng rừng, nhất là đồng bào vùng dân tộc thấy được giá trị của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập lại góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường nơi mình đang sinh sống.
Giảm gánh nặng cho rừng tự nhiên
Theo đánh giá của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù đã tạo dựng được ngành gỗ khá lớn, với giá trị gần 10 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nhưng trong những năm tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến và hoạt động buôn bán xuất khẩu lâm sản lại có nền tảng không vững chắc, tài nguyên rừng của Việt Nam đã bị khai thác quá mức.
Đề cập đến vấn đề này, ông Trịnh Văn Đức cho biết, trước năm 2000, ngành sản xuất đồ gỗ chủ yếu sử dụng rừng tự nhiên. Tuy nhiên, do thị hiếu của người sử dụng châu Âu cũng như nhận thức của bản thân người Việt trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, doanh nghiệp của ông ngừng sử dụng gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên bởi vì việc khai thác quá mức gây hại tới môi trường và các cánh rừng.
Ông Đức nhìn nhận, việc trồng rừng theo mô hình FSC có thể cung cấp nguồn gỗ hiệu quả giúp giảm gánh nặng lên các khu rừng tự nhiên và giảm nguy cơ gỗ khai thác bất hợp pháp trà trộn vào dây chuyền cung ứng.
Ông Lưu Thành Biên, một người có nhiều năm nghiên cứu về rừng đánh giá, rừng được cấp chứng chỉ FSC được công nhận toàn thế giới và các sản phẩm rừng có chứng chỉ FSC có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường gỗ quốc tế với giá cao.
“Rõ ràng, mô hình trồng rừng FSC có lợi thế hơn rất nhiều so với các loại rừng trồng theo cách làm truyền thống. Ngoài việc đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, bảo vệ đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng rừng, thì nhìn một tầm xa hơn, trồng rừng FSC phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam” – ông Biên khẳng định.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025; trong đó có thí điểm xây dựng vùng nguyên liêu gỗ rừng trồng đạt chuẩn có chứng chỉ FSC tại 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế diện tích khoảng 22.900 ha, với 72 hợp tác xã và 19.500 hộ nông dân tham gia liên kết với các Công ty, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lâm sản trên địa bàn. |