Nước chiếm 3/4 diện tích bề mặt Trái đất không phải là nhỏ, nhưng đó không chỉ là nước ngọt để sinh hoạt và phục vụ sản xuất kinh tế.
Thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới. Theo Liên hợp quốc, sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỷ người, chiếm gần 50% dân số trái đất phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau.
Việt Nam không ngoại lệ. Chúng ta là một trong những quốc gia đang bị sa mạc hóa do khan hiếm nước. Hơn 2/3 nước của các sông, suối là nguồn từ nước ngoài. An ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mê Kông… Mặc dù, nước ta đã tham gia các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng gia tăng khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam.
Chúng ta chỉ dồi dào về nước khi xét riêng tổng lượng nước hằng năm (bao gồm trên 60% nguồn nước mặt – tương ứng trên 500 tỷ m3 – bắt nguồn từ nước ngoài và trên 300 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam). Theo tiêu chí đánh giá của Hội Tài nguyên nước Quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Nếu tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước và sẽ gặp rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
Đáng ngại nhất là “thói quen” cứ cần nước có ngay, tất cả là có sẵn trong sông, trong hồ,… tất cả đều được Nhà nước “lo toan” đủ cho mọi người, mọi nhà, cho sản xuất… được hình thành trong thời “bao cấp” đã làm mất dần thói quen tiết kiệm, tích nước phòng hạn… Thực tế, chúng ta thường phải chứng kiến nhiều giếng khoan khai thác nước dưới đất với đầu tư lớn nhưng phải ngừng hoạt động do nước bị ô nhiễm, các trạm cấp nước xây xong hoạt động một thời gian rồi cạn khô, đắp chiếu hoặc nước bị sử dụng lãng phí hoặc chỉ dùng để… tưới cây, trong khi không đủ nước sạch cho đời sống hằng ngày.
Dân số tăng nhanh, quá trình đô thị hóa chóng mặt đòi hỏi nguồn nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng “phình” cả về chất và lượng, dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Ước tính, nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130 – 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng.
Nhiều nơi tại Tây Nguyên, cây cà phê và hồ tiêu, hai nguồn lợi nông sản xuất khẩu lớn khác của cả nước, cũng đang gặp cảnh tương tự. Nông dân ở đây đang khắc khoải tìm và chờ nguồn nước tưới hằng ngày. Có nơi phải đào giếng đến hơn trăm mét sâu mới mong có nước tưới cho nhiều vườn cây đang khát? Còn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình hạn mặn khốc liệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm ngàn héc ta lúa, không chỉ vụ Đông Xuân mất năng suất mà vụ Hè Thu có khả năng không thể xuống giống do thiếu nguồn nước ngọt, thiếu mưa.
Chúng ta sẽ thế nào khi các nước láng giềng tiếp tục ngăn sông xây đập để giữ nước lại? Điều gì sẽ xảy ra khi hàng triệu người dân các vùng đồng bằng có nguy cơ không còn, ruộng vườn và nguồn sống?