Từ lũ lụt kinh hoàng ở Pakistan đến cháy rừng ở Siberia (Nga), tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Liên Hợp Quốc (LHQ) đang kêu gọi các quốc gia đầu tư nhiều hơn để thích nghi với môi trường ngày càng bất ổn.
LHQ cho rằng, tất cả các quốc gia cần cắt giảm đáng kể lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp để đạt được mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tuy vậy, với rất nhiều quốc gia đang phải hứng chịu hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn, đe dọa đến an ninh lương thực và sự ổn định toàn cầu, cần thực hiện các biện pháp cấp bách hơn để giúp các nước này thích ứng với tình hình.
Dưới đây là 5 giải pháp giúp các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu
Cảnh báo sớm giúp thích ứng hiệu quả
Nghiên cứu cho thấy, cảnh báo 24 giờ về một đợt nắng nóng hoặc bão sắp tới có thể giảm 30% thiệt hại sau đó. Hệ thống cảnh báo sớm đưa ra dự báo khí hậu là một trong những biện pháp thích ứng hiệu quả nhất về chi phí, cứ mỗi USD đầu tư sẽ mang lại tổng lợi ích khoảng 9 USD.
Với những cảnh báo kịp thời, mọi người có thể sớm hành động bằng cách dùng bao cát chặn cửa để đề phòng lũ lụt, tích trữ tài nguyên hoặc sơ tán khỏi nhà của họ trong một số tình huống nghiêm trọng. Chẳng hạn, ở Bangladesh, mặc dù biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhưng số người chết vì bão đã giảm 100 lần trong vòng 40 năm qua, chủ yếu là do các cảnh báo sớm được cải thiện.
Tuy vậy, 1/3 dân số thế giới hiện nay vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ hệ thống cảnh báo sớm. Trong khi các nỗ lực chủ yếu tập trung vào bão, lũ lụt và hạn hán, các mối nguy hiểm khác như sóng nhiệt và cháy rừng sẽ cần được tích hợp tốt hơn khi chúng trở nên phổ biến và dữ dội hơn.
Đầu năm nay, Tổng Thư ký LHQ đã giao nhiệm vụ cho Tổ chức Khí tượng Thế giới phụ trách việc xây dựng kế hoạch hành động để đảm bảo mọi người trên thế giới được tiếp cận với các cảnh báo sớm trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch sẽ được trình bày tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào tháng 11 tới.
Phục hồi hệ sinh thái
Thập kỷ của LHQ về phục hồi hệ sinh thái do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và các đối tác phát động vào năm 2021 đã thúc đẩy phong trào toàn cầu nhằm phục hồi các hệ sinh thái trên thế giới.
Tại các thành phố, việc khôi phục các khu rừng đô thị làm mát không khí và giảm các đợt nắng nóng. Vào ngày nắng bình thường, một cây duy nhất cho hiệu quả làm mát tương đương với 2 điều hòa nhiệt độ hoạt động trong 24 giờ.
Tại các bờ biển, rừng ngập mặn cung cấp các biện pháp phòng thủ tự nhiên của biển khỏi nước dâng do bão bằng cách làm giảm độ cao và sức mạnh của sóng biển. Hơn nữa, việc bảo vệ rừng ngập mặn trên mỗi km ít tốn kém hơn 1.000 lần so với việc xây dựng tường chắn sóng.
Ở các độ cao lớn, việc phủ xanh lại các sườn núi bảo vệ cộng đồng khỏi các trận lở đất và tuyết lở do khí hậu gây ra. Chẳng hạn, tại đảo Anjouan ở Comoros, nạn phá rừng làm khô cạn mặt đất và biến rừng thành sa mạc. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã hỗ trợ quốc đảo này triển khai dự án trồng 1,4 triệu cây xanh trong vòng 4 năm để chống xói mòn, giữ nước và chất dinh dưỡng trong đất.
Cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu
Cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu gồm các tài sản và hệ thống như đường sá, cầu và đường dây điện có thể chịu được các cú sốc về khí hậu khắc nghiệt. Cơ sở hạ tầng chịu trách nhiệm cho 88% của tất cả các chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tạo ra tổng lợi ích khoảng 4,2 nghìn tỷ USD, với mỗi USD đầu tư mang lại khoảng 4 USD. Các tài sản cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi cao hơn sẽ tự thanh toán khi vòng đời của chúng được kéo dài và dịch vụ của chúng đáng tin cậy hơn.
Các công cụ để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu bao gồm các tiêu chuẩn quy định như quy định xây dựng, khuôn khổ quy hoạch không gian, cũng như truyền thông mạnh mẽ để đảm bảo khu vực tư nhân nhận thức được các rủi ro, dự báo và bất ổn về khí hậu.
Khuyến khích kế hoạch quản lý tài nguyên nước tổng hợp
Xét trên nhiều phương diện, câu chuyện về biến đổi khí hậu là câu chuyện về nước, cho dù đó là lũ lụt, hạn hán, mực nước biển dâng cao, hay thậm chí cháy rừng. Vào năm 2030, cứ 2 người sẽ có 1 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Đầu tư vào hệ thống tưới tiêu hiệu quả hơn sẽ rất quan trọng, vì hoạt động nông nghiệp của thế giới hiện sử dụng 70% lượng nước ngọt. Tại các trung tâm đô thị, khoảng 100-120 tỷ m3 nước có thể được tiết kiệm trên toàn cầu vào năm 2030 bằng cách giảm rò rỉ. LHQ khuyến khích các chính phủ phát triển các kế hoạch “Quản lý tài nguyên nước tổng hợp”, có tính đến toàn bộ chu trình của nước: từ nguồn đến phân phối, xử lý, tái sử dụng và trả lại môi trường.
Nghiên cứu cho thấy, các khoản đầu tư vào hệ thống thu hoạch nước mưa cần được duy trì để giúp chúng trở nên phổ biến và nhân rộng hơn. Chẳng hạn, tại thị trấn Bagamoyo ở Tanzania, mực nước biển dâng cao và hạn hán do lượng mưa giảm đã khiến các giếng cạn kiệt và nhiễm mặn. Không còn lựa chọn nào khác, trẻ em của Trường Kingani địa phương phải uống nước muối, khiến trẻ đau đầu, lở loét và nhiều học sinh phải nghỉ học.
Với sự hỗ trợ của UNEP, chính phủ Tanzania đã bắt đầu xây dựng một hệ thống thu gom nước mưa bao gồm máng xối trên mái nhà và một loạt các bể lớn để chứa nước. Nhờ đó, bệnh tật giảm dần và học sinh đã trở lại trường.
Lồng ghép các giải pháp thích ứng với kế hoạch dài hạn
Các giải pháp thích ứng với khí hậu sẽ hiệu quả hơn nếu được lồng ghép vào các chiến lược và chính sách dài hạn. Các Kế hoạch thích ứng quốc gia là một cơ chế quản lý quan trọng để các quốc gia lập kế hoạch cho tương lai và ưu tiên chiến lược cho các nhu cầu thích ứng.
Một phần quan trọng của các kế hoạch này là xem xét các kịch bản khí hậu trong nhiều thập kỷ tới và kết hợp các kịch bản này với đánh giá tính dễ bị tổn thương cho các lĩnh vực khác nhau. Những điều này có thể hỗ trợ trong việc lập kế hoạch và hướng dẫn các quyết định của chính phủ về đầu tư, thay đổi khung pháp lý và tài khóa, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Khoảng 70 quốc gia đã xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia, nhưng con số này đang tăng lên nhanh chóng. UNEP hiện đang hỗ trợ 20 quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch. Các nước cũng có thể sử dụng kế hoạch này để cải thiện các yếu tố thích ứng trong các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) – một phần trọng tâm của Thỏa thuận Paris.