Quần thể hoang dã của các loài động vật được theo dõi đã giảm mạnh gần 70% trong 50 năm qua, theo một đánh giá mới của World Wide Fund for Nature (WWF) nêu rõ những thiệt hại “tàn khốc” đối với thiên nhiên do hoạt động của con người.
Với dữ liệu từ 32.000 quần thể của hơn 5.000 loài động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá, đánh giá của WWF cho thấy sự sụt giảm quần thể động vật hoang dã ngày càng nhanh trên toàn cầu.
Trên toàn cầu, báo cáo cho thấy các quần thể động vật được theo dõi đã giảm 69% kể từ năm 1970. Ở các khu vực giàu đa dạng sinh học như Châu Mỹ Latinh và Caribe, con số thiệt hại về quần thể động vật lên tới 94%.
Marco Lambertini, tổng giám đốc WWF International, cho biết tổ chức này “vô cùng lo lắng” trước dữ liệu mới.
“Dữ liệu sự sụt giảm nghiêm trọng của các quần thể động vật hoang dã, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, nơi có một số cảnh quan đa dạng sinh học nhất trên thế giới”, Lambertini nói.
Mark Wright, giám đốc khoa học của WWF, cho biết những con số này “thực sự đáng sợ”, đặc biệt là đối với châu Mỹ Latinh. “Châu Mỹ Latinh nổi tiếng về sự đa dạng sinh học, và cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa khí hậu. Chúng tôi ước tính hiện tại có khoảng 150 đến 200 tỷ tấn carbon được lưu giữ trong các khu rừng ở Amazon”, Wright nói.
Con số đó tương đương với 550 đến 740 tỷ tấn CO2, hay gấp 10 đến 15 lần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm với tốc độ hiện tại.
Dữ liệu WWF cho thấy các loài nước ngọt đã giảm nhiều hơn những loài được tìm thấy trong bất kỳ môi trường sống nào khác, giảm 83% kể từ năm 1970.
Báo cáo chỉ ra rằng các nguyên nhân chính gây ra mất mát động vật hoang dã là suy thoái môi trường sống do phát triển và nuôi trồng, khai thác, sự du nhập của các loài xâm lấn, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Lambertini cho rằng thế giới cần phải suy nghĩ lại về các hoạt động nông nghiệp có hại trước khi chuỗi lương thực toàn cầu sụp đổ.
Ông nói: “Các hệ thống lương thực ngày nay là nguyên nhân gây ra hơn 80% nạn phá rừng trên đất liền, và nếu nhìn vào đại dương và nước ngọt, nông nghiệp cũng đang dẫn đến sự suy giảm nguồn cung và quần thể thủy sản trong những môi trường sống đó”.
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có mặt tại Montreal cho hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học COP15 vào tháng 12, và các tác giả báo cáo WWF kêu gọi một cam kết quốc tế, ràng buộc để bảo vệ thiên nhiên, tương tự như Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Báo cáo mới cho rằng việc tăng cường các nỗ lực bảo tồn và phục hồi, sản xuất và tiêu thụ lương thực bền vững hơn, đồng thời khử carbon nhanh chóng trong tất cả các lĩnh vực có thể làm giảm bớt các cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
WWF cũng kêu gọi các chính phủ quan tâm đúng mức đến việc xác định các giá trị mà môi trường tự nhiên đem lại, chẳng hạn như thực phẩm và nguồn nước. Vì thế khi thiên nhiên bị mất đi con người cũng sẽ chịu nhiều hậu quả, Alice Ruhweza, giám đốc khu vực châu Phi tại WWF, cho biết.
Lambertini nói: “Mất môi trường tự nhiên không chỉ là một vấn đề đạo đức mà còn là thiệt hại về vật chất và an ninh cho loài người”.