Sau trận lụt lịch sử nhấn chìm 1/3 đất nước, Thủ tướng Shehbaz Sharif nhấn mạnh Pakistan không cầu xin sự trợ giúp từ các nước giàu, thay vào đó, ông tìm kiếm “công lý khí hậu”.
Phát biểu từ dinh thự ở Lahore, Thủ tướng Shehbaz Sharif cảnh báo Pakistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có về y tế, di cư và an ninh lương thực sau trận lụt thế kỷ nhấn chìm 1/3 lãnh thổ.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự tàn phá, ngập lụt và đau khổ như thế này trong đời. Hàng triệu người phải di dời, họ trở thành những người tị nạn trong chính đất nước của mình”, ông nói.
Các nhà khoa học xác định rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây lũ lụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Pakistan chỉ chịu trách nhiệm cho 0,8% lượng khí thải carbon trên toàn cầu, theo Guardian.
Do đó, Thủ tướng Sharif khẳng định “các quốc gia phát triển – đang tạo ra lượng khí thải này – cần hỗ trợ Pakistan”.
“Hãy để tôi nói rõ, (tình huống này) là về công lý khí hậu”, ông Sharif nhấn mạnh. “Chúng tôi không đổ lỗi hay cáo buộc bất kỳ ai. Điều này không phải do chúng tôi tạo ra nhưng chúng tôi đã trở thành nạn nhân. Vậy lời kêu gọi của tôi có cần biến thành lời cầu khẩn hay không? Thật không công bằng”.
Khó khăn chồng chất
Sau 40 ngày đêm vật lộn với trận lũ lịch sử, số người thiệt mạng ở Pakistan đã lên đến 1.600. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn.
Trong khi đó, hơn 9 triệu người đã phải di dời và hơn 2 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Hàng triệu gia đình buộc phải sống trong những căn lều tạm bợ hoặc nơi trú ẩn bên đường.
Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Pakistan, cộng đồng quốc tế đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ cho nước này. Tuy nhiên, ông Sharif cho rằng hành động này rõ ràng là “không đủ”.
“(Những thiệt hại) từ thảm họa khí hậu này nằm ngoài khả năng tài chính của chúng tôi. Khoảng cách giữa nhu cầu và những gì sẵn có là quá lớn và đang ngày càng mở rộng”, ông nói.
Pakistan ước tính mức độ thiệt hại khoảng 30-35 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Sharif cho biết đó chỉ là “ước tính sơ bộ”, giá trị thiệt hại có thể lớn hơn nhiều, với khoảng 30.000 km đường bị phá hủy, cùng nhiều cây cầu, đường sắt, dây điện và 4 triệu ha hoa màu bị cuốn trôi.
Mặc dù lượng mưa đã ngừng, nhiều khu vực ở Pakistan – đặc biệt là Sindh – vẫn bị ngập lụt.
Và cuộc khủng hoảng nhân đạo càng trở nên tồi tệ hơn khi nước tù đọng khiến các dịch bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết hoành hành, với số lượng lớn trẻ em đổ bệnh khiến các bệnh viện quá tải.
Chính phủ của ông Sharif cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì một số lượng lớn người bị ảnh hưởng ở vùng Sindh và Balochistan vẫn chưa thể tiếp cận viện trợ.
Với tình trạng tham nhũng tràn lan ở cấp địa phương, nhiều người Pakistan lo ngại rằng hàng tỷ USD đang chảy vào đất nước có thể sẽ rơi vào túi của một số nhà quản lý và lãnh đạo địa phương.
Lời cầu cứu hay yêu cầu bồi thường?
Hoàn cảnh của Pakistan đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Vào ngày 10/9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trận lũ lụt là “sự tàn phá của khí hậu” trên quy mô lớn chưa từng thấy.
Tổng thống Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Saudi Arabia, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng đã quyên góp cho Paskistan và cam kết hỗ trợ hơn nữa.
Song dù biết ơn “những tuyên bố cảm động” và hành động viện trợ này, ông Sharif cho rằng “điều đó là chưa đủ”.
“Họ phải đưa ra một kế hoạch lớn và tốt hơn nhiều để giải cứu chúng tôi, giúp chúng tôi đứng vững trở lại”, ông nói.
Thủ tướng Pakistan cũng nhắc lại cam kết còn dang dở của các nước giàu từ hơn một thập kỷ trước, với 100 tỷ USD mỗi năm dành cho các quốc gia kém phát triển phải hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu.
“Số tiền đó ở đâu?”, ông Sharif hỏi. “Đã đến lúc chúng tôi đặt câu hỏi và nhắc nhở các quốc gia này thực hiện cam kết mà họ đã đưa ra”.
Nhiều nhà bình luận và Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan cũng cho rằng nước này không kêu gọi viện trợ mà đang yêu cầu các khoản bồi thường khí hậu từ những quốc gia giàu có gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, ông Sharif đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất này.
“Chúng tôi không đòi hỏi việc bồi thường. Tôi không nghĩ nói về việc bồi thường là thích hợp vào thời điểm này. Nhưng họ nên lưu ý tình hình, chịu trách nhiệm và hành động nhanh chóng trước khi quá muộn, khi thiệt hại trở nên không thể khắc phục, không chỉ với Pakistan mà cả thế giới”, ông nói.
Thủ tướng Sharif cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/9, theo CNN.
“Một điều rất rõ ràng, những gì đã xảy ra ở Pakistan sẽ không dừng lại ở Pakistan”, ông Sharif nói với các nhà lãnh đạo thế giới.
Ông Sharif mô tả cuộc sống ở Pakistan đã thay đổi mãi mãi sau thảm họa và lo sợ rằng đất nước sẽ chơ vơ một mình trong khi “đối phó với cuộc khủng hoảng mà chúng tôi không tạo ra”.
Ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, Pakistan đã phải đối mặt với thảm họa kinh tế, lạm phát tăng vọt, các khoản nợ nước ngoài ngày càng tăng và dự trữ ngoại tệ giảm nhanh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Sharif cam kết sẽ trao đổi với “mọi nhà lãnh đạo” – bao gồm cả Trung Quốc và Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ) – về khả năng hoãn nợ nước ngoài.
“Những gì chúng tôi đang yêu cầu là mở rộng dư địa tài khóa mà không tăng thêm gánh nặng nợ”, ông nói.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn riêng, Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar cho biết ông không muốn tìm đến Câu lạc bộ Paris.
“Nếu cộng đồng thế giới hợp tác, quyên góp và giúp đỡ Pakistan trong việc tái thiết, tôi nghĩ chúng ta có thể tránh điều này. Việc tìm đến Câu lạc bộ Paris không phải một cảm giác thoải mái, vì vậy, tôi hy vọng sẽ không phải dùng đến cách đó”, ông Dar nói.