Việc săn bắn trái phép để lấy sừng tê giác đã khiến loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Cưa sừng để cứu tê giác
Namibia, quốc gia có quần thể tê giác đen hoang dã duy nhất và lớn nhất trên thế giới, đang ráo riết thực hiện các biện pháp cưa sừng để cứu loài vật này khỏi nguy cơ bị giết hại trái phép để lấy sừng.
Năm nay, Namibia đã mất khoảng 48 con tê giác. Những kẻ săn trộm được cho là đang chuyển từ việc giết hại bất hợp pháp những con tê giác trong các công viên quốc gia sang các trang trại tư nhân và người bảo hộ tê giác.
Riêng trong năm nay, quốc gia này đã cưa sừng 154 con tê giác, con số mà Người phát ngôn Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Du lịch Namibia (MEFT) Romeo Muyunda cho biết đó mới chỉ là một phần nhỏ vì chi phí là một vấn đề.
Ông nói: “Việc cưa sừng cực kỳ tốn kém, do nỗ lực tìm kiếm tê giác và các chi phí liên quan đến quá trình đánh thuốc mê tê giác. Chúng tôi tiếp tục làm những gì chúng tôi có thể, theo các nguồn lực mà chúng tôi có, để bảo vệ các loài động vật hoang dã.”
“Kể từ tháng 1, MEFT đã tiếp cận 134 con tê giác đen, cưa sừng được 131 con. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tiếp cận được 24 con tê giác trắng và cưa sừng 23 con trong số đó”.
Namibia là quốc gia đầu tiên cưa sừng để bảo vệ tê giác khỏi bị săn trộm vào cuối những năm 1980. Biện pháp này được cho là đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiệt hại do săn trộm xuống mức thấp nhất vào khoảng thời gian đó.
Ông Muyunda cho biết, động thái này đã chấm dứt vào năm 1995 nhưng bắt đầu lại vào năm 2014 do mức độ săn trộm gia tăng và được thực hiện thường xuyên kể từ đó. Theo ông Muyunda, sừng được cưa khỏi tê giác để khiến chúng ít có giá trị hơn đối với những kẻ săn trộm.
Tổng số tê giác bị cưa sừng là 932 con kể từ năm 2018. Nước này cũng đã thực hiện các biện pháp cải thiện an ninh và thực hiện các sáng kiến chống săn trộm khác.
Tê giác đen gặp nguy hiểm
Vì những kẻ săn trộm đang nhắm mục tiêu vào các trang trại tư nhân và có người bảo hộ, một số trang trại này cũng đã bắt đầu cưa bỏ sừng của toàn bộ quần thể tê giác để bảo vệ chúng. Nhưng bất chấp các biện pháp, những con tê giác vẫn gặp nguy hiểm.
Theo Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Help Our Rhinos Now (HoRN), Jaco Muller, họ đã khuyến khích các thành viên của mình cưa sừng các con vật để ngăn chặn những kẻ săn trộm.
Ông Muller nói: “Tất cả các con tê giác trên 18 tháng tuổi trong các trang trại của chúng tôi đều đã bị cưa sừng”.
“Vấn đề lúc này là một con tê giác chết có giá trị gấp 40 lần một con tê giác sống. Đây là lý do tại sao chúng bị tàn sát không thương tiếc. Ngay cả với những đơn vị chống săn trộm chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn thua cuộc”, ông nói.
Chương trình Giám sát Tê giác Đen của Namibia chủ yếu tái định cư tê giác từ các vườn quốc gia dưới dạng quần thể tự do đến các môi trường sống thích hợp trên đất nông nghiệp và các khu bảo tồn khác, nơi chủ đất sẵn sàng và có thể đảm nhận trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản và an ninh cho tê giác.
Namibia là nơi có số lượng tê giác trắng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Phi và cũng là quốc gia có quần thể tê giác đen hoang dã ngoài tự nhiên còn lại duy nhất trên thế giới, chiếm 90% số tổng số tê giác đen của thế giới.
Namibia ghi nhận 44 con tê giác bị săn trộm vào năm 2021, 42 con vào năm 2020, 57 con vào năm 2019, 83 con vào năm 2018 và 55 con vào năm 2017.
Tê giác đen là loài nằm động vật nằm trong danh sách động vật đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp. Nạn săn bắn trộm quá mức để lấy sừng đã đẩy loài này tới nguy cơ tuyệt chủng. Sừng được bán chủ yếu để làm cán dao găm (được cho là tượng trưng cho sự giàu có ở nhiều quốc gia) và ở nhiều nơi còn được dùng làm thành phần thuốc. Nhưng trên thực tế, có rất ít nghiên cứu chứng tỏ sừng tê giác có “tác dụng thần kì” như nhiều lời đồn thổi.