Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) ngày 4-10 thông báo đã phát hiện ra loại enzym có khả năng phân hủy nhanh túi nylon bên trong nước bọt của sâu sáp.
Theo báo The Guardian, đây là loại enzym đầu tiên được phát hiện có khả năng phân hủy polyethylene trong vài giờ ở nhiệt độ phòng.
Polyethylene chiếm 30% tổng sản lượng nhựa và được sử dụng trong các loại bao bì khác nhau, góp phần không nhỏ gây ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Trước đây, nỗ lực phân hủy nhựa bằng biện pháp sinh học, còn được gọi là phân hủy sinh học, chủ yếu tập trung vào vi sinh vật. Một số ít vi sinh vật đã được phát hiện có khả năng phân hủy nhựa nhưng quá trình phân hủy diễn ra chậm chạp và đòi hỏi các bước xử lý phức tạp.
Theo chuyên gia Andy Pickford của Trường ĐH Portsmouth (Anh), phát hiện trên của các nhà nghiên cứu tại CSIC cho thấy phân hủy bằng enzym sâu sáp có thể là một hướng đi để xử lý rác thải polyetylen.
Về ứng dụng thương mại, nhà khoa học Clemente Arias của CSIC cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để nghĩ đến vấn đề này. “Chúng tôi cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu và suy nghĩ về chiến lược đối phó rác thải nhựa dựa trên phát hiện mới” – bà Arias khẳng định.
Tiêu thụ nhựa toàn cầu đã tăng vọt trong 3 thập kỷ qua, tạo ra lượng rác thải nhựa lên đến hàng trăm triệu tấn mỗi năm và chưa đến 10% trong số này được tái chế.
Sau các cuộc đàm phán ở TP Nairobi – Kenya, Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3 đã thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để xây dựng hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận ràng buộc pháp lý vào năm 2024.