Nhằm tăng cường công tác bảo tồn liên quan loài chim hoang dã, di cư, các lực lượng chức năng Nghệ An đang vào cuộc ráo riết ngăn chặn nạn tận diệt chim trời
Tháng 9, 10 hằng năm, khi thời tiết bắt đầu se lạnh cũng là lúc những đàn chim hoang dã bắt đầu mùa di cư. Đây cũng là thời điểm những người săn chim giăng bẫy khắp mọi nơi để tận diệt chim trời. Nhiều năm qua, Nghệ An luôn chú trọng các giải pháp để bảo vệ chim hoang dã. Tuy nhiên, do ý thức của một số người dân nên trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng săn bắt, bẫy, buôn bán trái phép các loại chim hoang dã, chim di cư.
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kịp thời, nghiêm túc.
Theo đó, chiều 25/9, UBND huyện Hưng Nguyên đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền địa phương xã Châu Nhân tổ chức tuyên truyền cho người dân bảo vệ động vật hoang dã và ra quân truy quét các hoạt động đánh bẫy chim trái phép.
Địa điểm mà người dân “chọn” làm nơi đặt bẫy chim trời thường là các cánh đồng lúa xắp nước đã được thu hoạch. Gần đó có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông. Cả trăm con cò giả được làm bằng xốp rồi cắm xuống ruộng. Xen lẫn trong “trận địa” này là chi chít những que tre nhỏ đã được tẩm một loại nhựa có độ dính rất cao
Trên bờ, các thiết bị công nghệ để phát ra tiếng kêu của các loại chim trời được đặt ở nhiều nơi. Dọc các bờ ruộng, lưới “tàng hình” được giăng 3 đến 4 lớp chồng cao lên nhau rất khéo léo mà mắt thường rất khó phát hiện.
Nhằm tăng cường công tác bảo tồn liên quan loài chim hoang dã, di cư, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp chính quyền địa phương xã Châu Nhân kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các cánh đồng. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 6 thùng đựng thiết bị công nghệ phát tiếng kêu chim trời, tháo dỡ tiêu hủy hơn 1000 m lưới tàng hình và các dụng cụ đánh bắt khác; đồng thời thả một số cá thể chim trời mắc bẫy về với thiên nhiên.
Trao đổi với báo chí, Ông Phạm Đức Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Từ đầu tháng, Nghệ An đã đồng loạt triển khai truy quét nạn săn bắt chim trời mùa di cư. Các chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng gồm kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ đã thu giữ 27,5 kg lưới trùm, 3,500 que dính nhựa, 2 bộ loa máy phát tín hiệu giả tiếng chim, 2 bộ kích điện; thả về tự nhiên gần 300 con chim bị mắc lưới, tiêu huỷ 480 con cò giả, phá bỏ 12 chòi canh bẫy chim…
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức lực lượng truy quét liên tục, quyết liệt, nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên; triệt phá các tụ điểm chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã. Đây là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, bảo vệ các loại chim di cư.