Quảng Bình là một trong những địa phương còn giữ được tính đa dạng sinh học (ĐDSH) tương đối cao khi có nhiều loài động, thực vật sinh sống. Tuy nhiên, quá trình khai thác lâm sản, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã gây ảnh hưởng đến vấn đề ĐDSH. Để phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn ĐDSH.
Quảng Bình có hệ thống núi đá vôi ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu-Khe Nước Trong, dãy núi Giăng Màn… với hệ sinh thái (HST) vô cùng đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật.
Theo số liệu thống kê, trong HST nội địa và vùng biển của tỉnh có 2.766 loài với trên 1.000 loài cây có ích. HST trên cạn có trên 1.000 loài côn trùng, 342 loài chim, 171 loài thú và 158 loài bò sát, lưỡng cư. HST thủy vực có khoảng 91 loài thực vật thủy sinh, 147 loài thực vật nổi, 82 loài động vật nổi, 51 loài động vật đáy, 105 loài côn trùng nước, 203 loài cá nuôi và cá tự nhiên…
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH, thời gian qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quyết định… về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, tập trung thực hiện bảo tồn và phát triển bền vững các HST tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
VQG PN-KB nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc vùng sinh địa Indo-Malaya. Khu vực này có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, lượng mưa trung bình hàng năm trên 2.000mm, độ ẩm trung bình trên 80%, là nơi được biết đến về tính ĐDSH, như: Rừng trên núi đá vôi, rừng trên núi đất, rừng chuyển tiếp… Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên tính đa dạng về thực vật và sự giàu có về các yếu tố đặc hữu.
Hiện VQG PN-KB ghi nhận sự có mặt của ít nhất 2.952 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành; trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN… Sự đa dạng về hệ thực vật ở VQG PN-KB bao gồm cả đa dạng về các bậc taxon, về nguồn gen và tài nguyên thực vật.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Phạm Văn Tân cho biết: “Để góp phần bảo tồn ĐDSH, chúng tôi đã xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cũng như công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên toàn lâm phận. Đơn vị cũng thường xuyên cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về ĐDSH đối với các loài động, thực vật (đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm và các loài có giá trị kinh tế cao, thường xuyên buôn bán trên thị trường). Từ năm 2021 đến nay, qua quá trình tuần tra, giám sát, theo dõi bằng bẫy ảnh, đơn vị đã phát hiện hàng chục loài động vật. Hạt cũng thường xuyên duy trì hoạt động phối hợp với các chốt, tổ liên ngành nhằm phát hiện, ngăn chặn, đẩy đuổi kịp thời người ra vào rừng hoạt động khai thác gỗ và săn bắt động vật”.
KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong là nơi giao hòa của rừng nguyên sinh khe Nước Trong, sông Rào Chân, cùng với những ngọn núi cao trên 1.000m, là ngôi nhà chung của nhiều loài động, thực vật. Rừng nhiệt đới trong khu dự trữ có độ che phủ trên 98% và có tính ĐDSH cao. Theo số liệu điều tra bước đầu, khu dự trữ có ít nhất 1.030 loài, trong 599 chi, thuộc 144 họ trong 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 36 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, nơi đây có 357 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có nhiều loài thú nguy cấp, quý hiếm cần phải bảo tồn, như: Chà vá chân nâu, Voọc Hà Tĩnh, vượn siki, cu ly nhỏ, thỏ vằn, tê tê Java, gấu ngựa, mang trường sơn, mang lớn…
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong cho hay: So với các khu vực bảo tồn và VQG khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động thực vật ở KDTTN Động Châu-khe Nước Trong còn rất cao. Để bảo tồn thiên nhiên, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra và truy quét trong lâm phận, kịp thời phát hiện và tháo hàng nghìn bẫy động vật; trồng mới trên 225ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và cây dược liệu. Đồng thời, tăng cường việc giám sát ĐDSH, triển khai các dự án bảo tồn ĐDSH, phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho người dân trong khu vực, tuyên truyền vận động bà con chung tay bảo vệ rừng”.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long, cho biết: Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn ĐDSH, đa dạng HST rừng trên địa bàn tỉnh, chi cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai giám sát, thực hiện các chương trình, dự án nhằm nâng cao và phát huy giá trị tài nguyên rừng, như: Dự án “Bảo vệ ĐDSH và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-Khe Nước Trong, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Nhờ đó đã nâng cao hiệu quả trong việc bảo tồn đa dạng HST rừng theo hướng bền vững và bảo vệ rừng tại gốc…
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng, bao gồm VQG PN-KB và KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong. Đây là 2 khu bảo tồn có tính ĐDSH rất cao. Theo định hướng công tác bảo tồn ĐDSH trong giai đoạn đoạn 2021-2030, Quảng Bình sẽ thành lập thêm Khu bảo tồn loài sinh cảnh Voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa với diện tích 509ha và Khu bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa Vũng Chùa-Đảo Yến tại huyện Quảng Trạch với diện tích 940ha. |