Cuộc chiến bảo vệ thùng rác của con người trước loài vẹt mào vàng tưởng chừng là câu chuyện hài hước, nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là ví dụ sinh động cho thấy sự phức tạp trong hành vi tương tác giữa con người và động vật hoang dã.
Hãy tạm quên cuộc đua không gian giữa các cường quốc. Tại Sydney, Úc, có một cuộc chạy đua vũ trang mới mẻ và đầy sáng tạo – đó là cuộc chiến bảo vệ thùng rác giữa con người và vẹt mào vàng (Sulfur-crested cockatoo).
Những con vẹt đuôi dài, có nguồn gốc từ Úc và sống ở các vùng ngoại ô, thường được người dân ví von là “những kẻ cướp thùng rác”. Chúng mở nắp bằng cách cạy thùng, nhấc nắp lên, vừa nhấc vừa tiến về phía trước để lật nắp thùng sang một bên. Những con chim tinh khôn học hỏi hành vi của nhau, có thể xem đó là một kiểu phổ biến văn hóa. Tương tự, trong nỗ lực bảo vệ rác, con người cũng không ngừng học hỏi và thay đổi chiến lược của mình.
“Đây có thể xem là bằng chứng cho thấy người ta học hỏi các phương pháp bảo vệ từ những người khác, và những phương pháp này được phổ biến trong một khu vực địa lý”, Barbara C. Klump, tác giả thứ nhất của một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Current Biology, và là nhà sinh thái học hành vi tại Viện Hành vi Động Vật Max Planck (Đức), cho biết.
Đối với một con vẹt mào vàng, thùng rác là một kho báu quý giá. “Tôi đã tận mắt thấy chúng ăn xương gà, bánh sandwich kẹp thịt nguội, nhưng món yêu thích của chúng là bánh mì”, Tiến sĩ Klump cho hay. Khi những con vẹt sục sạo tìm thức ăn, chúng bới rác và khiến rác bay tứ tung. Các cơn gió sau đó khiến rác tiếp tục bay ra xa hơn, tạo thành khung cảnh lộn xộn và bẩn thỉu. Không có gì ngạc nhiên khi con người muốn bảo vệ thùng rác.
Trong nghiên cứu, Tiến sĩ Klump và các đồng nghiệp đã khảo sát hơn 3.000 thùng rác ở 4 vùng ngoại ô Sydney để xem liệu người dân có tìm cách bảo vệ thùng rác khỏi lũ vẹt hay không. Quả thật điều đó không dễ dàng. Mỗi thùng đều có bản lề ở nắp. Khi xe rác đến, sẽ có thiết bị nhấc và lật thùng để nắp mở ra và rác tự động rơi vào xe. Do đó, người dân không thể khoá thùng lại, họ phải tìm cách phòng lũ chim mà không cài khoá hay dán kín miệng thùng.
“Tôi nghĩ cách làm phổ biến nhất là đặt một vật nặng lên nắp”, Tiến sĩ Klump giải thích. “Đó có thể là một viên gạch hay một tảng đá”. Người dân cũng thử dùng một con rắn cao su đề hù doạ lũ vẹt, hoặc đặt một vật dụng giữa nắp và bản lề – chẳng hạn như ống phao dài, gậy hoặc giày – để làm cấn bản lề, ngăn vẹt mở nắp. Một số người buộc sợi dây vào để đảm bảo thùng chỉ mở một khoảng nhỏ – đủ rộng để rác có thể tràn vào xe tải.
Lũ vẹt sẽ đối phó thế nào? Tiến sĩ Klump đã quan sát những con vẹt mào vàng vận dụng trí khôn để đẩy gạch ra khỏi thùng. Chúng đã tự thay đổi hành vi của mình. Khi chúng nhấc nắp một thùng rác được bảo vệ lên, “chúng lắc nhẹ một cái, gạch hoặc đá rơi ra, chúng lại có thể mở thùng và sục sạo rạc,” Tiến sĩ Klump nói.
Để hiểu hơn về những hành vi được xã hội lan truyền, học hỏi, các nhà khoa học đã xem xét sự phân bố địa lý của chiến lược bảo vệ thùng rác, đồng thời khảo sát hơn 1.000 cư dân. Người và chim có rất nhiều điểm chung. Những con vẹt sống gần nhau học cách mở thùng theo những cách tương tự nhau, và những người sống gần nhau có xu hướng bảo vệ thùng rác bằng các phương pháp giống nhau.
Trong cuộc khảo sát, 172 cư dân cho biết họ đã “canh phòng” thùng rác của mình. 64% chủ sở hữu thùng rác cho biết đã học hỏi các phương pháp bảo vệ thùng rác mới từ những người khác. Khilũ vẹt hất được gạch và đá ra để chiếm ưu thế trong cuộc chiến này, 61% cư dân đã thay đổi chiến lược của họ. Một người trả lời khảo sát chia sẻ: “Những viên gạch vẫn phát huy hiệu quả trong một thời gian, nhưng lũ vẹt quá thông minh. “Những người hàng xóm ở phía bên kia đường cao tốc đề xuất chúng tôi đặt gậy ở bản lề. Cách này cũng hiệu quả.”
Sarah Benson-Amram, nhà sinh thái học hành vi và nhận thức tại Đại học British Columbia ở Vancouver, cho biết cuộc “chạy đua vũ trang” giữa người và lũ vẹt là “một ý tưởng thực sự thú vị”.
Tiến sĩ Benson-Amram chuyên nghiên cứu cách động vật phản ứng với môi trường của chúng. Cô cho rằng từ hành vi này, các nhà khoa học có thể mở rộng sang nghiên cứu các tương tác giữa người và động vật hoang dã khác, như việc voi châu Phi và châu Á đã học cách sử dụng ngà hoặc khúc gỗ để lao qua hàng rào điện bảo vệ hoa màu. Phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Benson-Amram đang nghiên cứu gấu mèo raccoon, một sinh vật nổi tiếng vì chuyên bới rác – bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của con người.
Hiện tại, Tiến sĩ Klump và các đồng nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu để xem liệu lũ chim có thực sự phổ biến cho nhau các cách để xâm nhập được vào bên trong thùng rác hay không. Nếu có, cuộc chiến sẽ tiếp tục. Người Úc sẽ phải lại tìm ra các phương pháp phòng thủ mới và luôn giữ tâm thế cảnh giác trước “đối thủ”.