Nằm trong Top 10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tới 180 nước trên thế giới.
Tại diễn đàn do báo Nông nghiệp tổ chức ngày 28/9, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, nếu như năm 2000, quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ ở mức 18 tỉ USD thì đến năm 2018 đã vượt mốc 100 tỉ USD và đạt 188 tỉ USD vào năm 2021, dự kiến năm 2022, quy mô thị trường sẽ đạt 208 tỉ USD.
Tại Việt Nam, năm 2021 diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…
Nhìn lại quá trình phát triển của nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, trong giai đoạn năm 2000-2010, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp châu Âu. Nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp mua hàng về đóng gói.
Sau đó, trong giai đoạn 2010-2018, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu làm chứng nhận và tham gia thị trường với các sản phẩm thế mạnh như gạo, dừa, điều, tiêu, cà phê… Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn chuyển dịch đăng ký một phần sản phẩm có chứng nhận hữu có để làm thương hiệu, đồng thời bắt đầu điều chỉnh chất lượng và xây dựng danh tiếng về sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, số lượng doanh nghiệp làm chứng nhận hữu cơ tăng nhanh; ngoài xuất khẩu thô thì thị phần của các sản phẩm đóng gói cũng tăng lên. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu. Điểm tích cực là uy tín của sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường thế giới đã tăng lên. Từ năm 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đạt có chứng nhận USDA của Mỹ.
Tại thị trường Úc, TS. Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên Đại học Quốc gia Úc, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics nhận định: Hiện gạo là mặt hàng có cơ hội vào thị trường Úc tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung, cùng với đó là các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến, các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế… Trong khi đó, cà phê và hồ tiêu gặp nhiều khó khăn do thừa nguồn cung.
Ở trong nước, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: “Qua khảo sát, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.”
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Công ty nông sản Bảo Minh chia sẻ thêm về một vài khó khăn trước mắt: “Tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn, nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.”