Gen Z đang gia nhập hội nhóm mua hàng si và hàng bán lại nhanh hơn so với các thế hệ trước.
Giữa thời kỳ phong cách Y2K* dần thịnh trở lại và tín đồ thời trang đam mê các món đồ nhiều tính “nghệ thuật” hơn, thì không khó để thấy rằng thế hệ trẻ đang ưa chuộng quần áo đã qua sử dụng hơn bao giờ hết
*Phong cách Y2K bắt đầu xuất hiện và phổ biến vào những năm cuối thập niên 90, đầu 2000.
Bà Rati Sahi Levesque, Chủ tịch kiêm CEO của công ty mua bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng – The RealReal (TRR) – chia sẻ: “Giữa những hạn chế về nguồn cung của thị trường sơ cấp, thảm họa lạm phát và sự gia tăng của khủng hoảng khí hậu, người mua hàng và người bán hàng đều nhìn thấy giá trị về kinh tế, môi trường và cảm xúc trong các vụ mua bán hàng đã qua sử dụng”.
Và theo TRR cũng như một báo cáo tương tự từ thredUP, gen Z đang gia nhập hội nhóm mua hàng si và hàng bán lại nhanh hơn so với các thế hệ trước.
“Nó vui! Nó dễ thương! Nó rẻ! Nó thân thiện với môi trường! Vậy thì có gì xấu?”
Trong trường hợp này, sự phổ biến của hàng qua sử dụng (hàng si) là một con dao hai lưỡi. Mặc dù mua hàng đã qua sử dụng luôn tốt hơn so với đầu tư vào các mặt hàng mới, nhưng các động thái như mua số lượng lớn và bán lại hàng thời trang nhanh sẽ lấy đi một phần tính bền vững của nền kinh tế tuần hoàn.
Ai đang mua hàng đã qua sử dụng?
Câu trả lời ngắn gọn là tất cả mọi người, nhưng theo những cách khác nhau. Theo báo cáo về việc bán hàng đã qua sử dụng của TRR vào tháng 8/2022, thế hệ Millennials (1981 – 1995) đứng đầu về việc này, nhưng vẫn không bán nhiều bằng Gen X (1965-1980), đây cũng là thế hệ ưa chuộng ý tưởng sử dụng xoay vòng nhất. Còn Gen Z thì có tốc độ bán lại nhanh nhất, nhóm người tiêu dùng này cũng phát triển nhanh nhất, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các báo cáo của thredUP cũng mang lại con số tương tự, lưu ý rằng 62% gen Z và Millennials đều tìm kiếm một món đồ cũ trước khi mua mới. Tuy nhiên, không giống như Millennials, 36% gen Z mua các mặt hàng may mặc hàng tháng hoặc hàng tuần, ngang bằng với tỉ lệ mà họ thanh lý số đồ nói trên.
Mua sắm đồ cũ và thời trang nhanh
Không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường đồ cũ tăng nhanh như vũ bão — ngành công nghiệp này đã tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi ở Mỹ vào năm 2026 — trùng với sự khởi đầu của thời trang nhanh.
Áp lực phải có trang phục mới và ăn mặc hợp xu hướng là có thật, cứ 5 người mua sắm thời trang nhanh thì có 1 người nói rằng họ cảm thấy áp lực khi phải bắt kịp những phong cách mới nhất do mạng xã hội. Và mặc dù về cốt lõi, đồ cũ là một lựa chọn bền vững, nhưng nó cũng rẻ và dễ chọn, cho phép người mua sắm tiêu thụ số lượng lớn với chi phí tối thiểu.
Điều này cũng giải thích cho sự tràn lan của các sản phẩm thời trang nhanh đến các cửa hàng đồ cũ và đồ tiết kiệm: Gen Z đang chọn cả hai.
“Sử dụng tuần hoàn 1/5 hàng may mặc cho đến năm 2030 là chìa khóa để ngành công nghiệp may mặc đạt được Hiệp định Khí hậu Paris, nhằm kiểm soát nhiệt độ gia tăng của trái đất dưới 1,5 độ C. Tuy nhiên, bạn không thể tuần hoàn hoá thời trang nhanh kém chất lượng.”, ông James Rogers, Giám đốc phụ trách bền vững của TRR cho biết trong báo cáo nói trên.
Mục đích của việc mua sắm đồ cũ là khuyến khích một nền kinh tế tuần hoàn, được xây dựng từ những sản phẩm có chế tác tốt, được trang bị để sử dụng trong lâu dài. Săn lùng những món đồ độc đáo và giá cả phải chăng là một niềm vui, nhưng một khi các khu vực bán hàng si tràn ngập những sản phẩm quần áo thời trang nhanh kém chất lượng có thể làm thay đổi tính thân thiện của ngành bán lại đối với môi trường.