Dù có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã trái phép, song Việt Nam vẫn được coi là điểm nóng về tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã. Theo đó, để ngăn chặn tình trạng trên, các chuyên gia cũng như nhà khoa học cho rằng: cả cộng đồng cần chung tay vào cuộc với các hành động thiết thực…
Nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng
Báo cáo tại Hội thảo về “nhận diện vai trò và tăng cường năng lực vận động chính sách ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) cho các tổ chức bảo tồn của Việt Nam” sáng ngày 29.9 do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường (CNREC) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, đại diện Trung tâm CNREC cho biết: Việt Nam là một trong 25 nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới với khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và 300 loài thú.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang gia tăng, trở thành mối đe dọa chính, dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học. Đồng thời, tiềm ẩn những tác động tiêu cực môi trường sống và sức khoẻ của con người và tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Để từng bước giải quyết vấn nạn này, Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), ngăn chặn, buôn bán ĐVHD. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đề ra chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23.7.2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD; chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17.5.2022 về các giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 28.01.2022 với mục tiêu cần phải bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm.
Cộng đồng trách nhiệm bảo vệ ĐVHD
Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã rất tích cực và chủ động trong hoạt động này. Tuy nhiên, trước những vụ việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, Việt Nam vẫn đang là điểm nóng về buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, điều này cũng đồng nghĩa ĐDSH cũng có nhiều nguy cơ bị đe dọa.
Phó Trưởng ban VUSTA Trần Xuân Việt cho biết: Các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc VUSTA có phạm vi hoạt động rất rộng, đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng. Từ năm 2014 đến nay, VUSTA đã hỗ trợ phê duyệt 450 dự án viện trợ (khoảng 60 triệu USD). Trong đó, lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên, năng lượng bền vững, ô nhiễm không khí, bảo vệ nguồn nước: chiếm 30% về số lượng dự án, chiếm 20% về giá trị viện trợ. |
Để công tác bảo tồn ĐDSH, ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng: cần phải có sự chung tay của tất cả các cấp, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng với những hành động thiết thực để bảo vệ các loài ĐVHD, quý, hiếm, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững. “Để phòng chống buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD đạt hiệu quả cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng, tổ chức xã hội và cơ quan chức năng”, Quản lý dự án Trung tâm GreenViet Nguyễn Thiên Hương đề xuất.
Tại buổi Hội thảo, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Việt Nam và quốc tế trong trong lĩnh bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD, đặc biệt là công tác bảo tồn ĐDSH và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Đồng thời, cũng thẳn thắn, sôi nổi trao đổi các vấn đề về chính sách còn bỏ ngỏ trong công tác bảo tồn ĐDSH, ngăn chặn buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong 5 năm tới. Theo đó, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cần đưa ra các biện pháp cụ thể, chủ động hơn để vận động việc tăng cường các chính sách, hành động; sự tham gia của Quốc hội, Chính phủ và công chúng vào các hoạt dộng ngăn chặn bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cho giai đoạn 2022-2030;….