Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia có đầy đủ pháp luật về quản lý động vật, thực vật hoang dã. Trong đó, ưu tiên công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Tăng cường năng lực ngăn chặn buôn bán trái phép
Việt Nam là một trong 25 nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường quản lý hiệu quả công tác này.
Trong đó, Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; chỉ thị số 04/CT-TTg về các giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang là những mối đe dọa chính dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã. Thực trạng này làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học; tiềm ẩn những tác động tiêu cực môi trường sống và sức khoẻ của con người và tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam trong suốt những năm qua.
Tại Hội thảo về nhận diện vai trò và tăng cường năng lực vận động chính sách ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã cho các tổ chức bảo tồn của Việt Nam, các chuyên gia đã thảo luận nhiều giải pháp, đề xuất chính sách ưu tiên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Theo đó, trước bối cảnh chung về tình trạng đa dạng sinh học đang bị suy thoái với tốc độ cao, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã gia tăng, các ngành, các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các tổ chức xã hội và nhân dân cùng chung tay, phối hợp chặt chẽ để có những hành động thiết thực bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật hoang dã, quý hiếm.
Cùng với đó, trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi. Tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức trong, ngoài nước trong các nỗ lực bảo tồn, cứu hộ và xây dựng, hỗ trợ thực hiện chính sách, pháp luật. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu của tội phạm về động vật hoang dã
Tại Việt Nam, thực tế thời gian qua đã thực hiện một số giải pháp quan trọng để xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam đã nâng mức hình phạt đối với tội phạm về động vật hoang dã. Theo đó, đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã có thể bị phạt tù đến 15 năm và phạt tiền lên đến 15 tỷ đồng. Các hình phạt cao và các công cụ pháp lý đã có đủ.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam hiện là điểm đến hàng đầu cho các tội phạm về sừng tê giác và các sản phẩm, bộ phận của hổ, ngà voi và vẩy tê tê… Do đó, giải pháp lâu dài tốt nhất để đối phó với hoạt động này là thắt chặt quản lý nuôi động vật hoang dã và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về động vật hoang dã, làm sao để bảo đảm những chế tài nghiêm khắc này được thực thi bởi những nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã và đưa những đối tượng buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia này ra xét xử, ông Thomas Lyons nhìn nhận.
Được thành lập từ năm 2014, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cứu hộ, nhân nuôi sinh sản, vận động chính sách, nghiên cứu bảo tồn 2 loại tê tê tại Việt Nam là tê tê vàng và tê tê Java.
Bước đầu, Trung tâm đã ghi nhận được nhiều hình ảnh tê tê, đặc biệt các hình ảnh các cá thể tê tê non mới sinh tại các địa điểm tái thả tê tê Java và 9 cá thể tê tê vàng đang gây nuôi sinh sản; đây có thể coi là nguồn gen thực sự quý báu cho loài tê tê ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cứu hộ tê tê tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ thành công gần 1600 cá thể tê tê (nhiều nhất thế giới). Trong đó, 60% các cá thể này được tái thả về tự nhiên an toàn, đều được gắn microchip và mã nhận dạng sử dụng thiết bị bay không người lái để theo dõi.
Để bảo tồn động vật hoang dã, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Mới đây, Chỉ thị số 04/ CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim di cư, đặc biệt là vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm cũng là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực tế cho thấy, Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia có đầy đủ pháp luật về quản lý động vật, thực vật hoang dã. Mặt khác, Việt Nam cũng là thành viên của các công ước quốc tế về đa dạng sinh học, về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi động vật hoang dã, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp khả thi hiện nay là cần ban hành Danh mục các loài động vật hoang dã được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.
Năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp theo là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã. Trong số các loài động vật hoang dã bị quảng cáo trên các phương tiện thông tin, buôn bán, nuôi nhốt trái phép gồm: ngà voi (566 vụ), hổ (551 vụ), gấu (546 vụ), khỉ (267 vụ) và 70 vụ việc liên quan tê tê. |