Ngày 27/9, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ký công văn số 6461/BNN-TCLN gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.
Trong công văn, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN-PTNT và các UBND cấp huyện giao cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.
Mục đích nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Đồng thời, tổ chức triệt phá các tụ điểm kinh doanh trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, địa phương nghiên cứu phương án đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư.
Người dân cần được hướng dẫn để chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh phải được tuyên truyền và ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp.
Mùa chim di cư diễn ra từ đầu tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tại một số địa phương là nơi thuộc đường bay của chim di cư, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.
Ngoài môi trường, điều này còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, dọc bờ biển miền Trung, những đầm nước trù phú thường được chim hoang dã, di cư chọn làm điểm dừng nghỉ, bổ sung năng lượng để tiếp tục vượt đường xa. Đây cũng là nơi người dân thường tổ chức săn, bắt bằng cách sử dụng chim mồi giả, hoặc đánh bẫy.
Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng chim di cư bay qua Việt Nam những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, trong đó có 11 loài chim cực kỳ nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa.
Ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.