Trong khi mô hình dự báo của Việt Nam và Nhật Bản cho rằng bão Noru mạnh nhất cấp 14-15 khi gần bờ, đài Hong Kong và Mỹ lại nhận định hình thái này có thể tăng cấp thành siêu bão.
Chiều 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ảnh hưởng của bão số 4 (Noru), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; trong khi đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Lúc 13h, tâm bão cách đất liền Đà Nẵng – Quảng Ngãi 270 km về phía đông. Sức gió duy trì mạnh nhất cấp 14-15, giật trên cấp 17 trong những giờ qua.
Cơ quan khí tượng nhận định trong 12 giờ tới, bão giữ cường độ trên và đi vào vùng biển từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi. Lúc 1h sáng 28/9, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 14-15.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Hong Kong nhận định Noru đang ở cấp siêu bão vào lúc 13h ngày 27/9 với sức gió mạnh nhất 195 km/h, tương đương cấp 16, giật trên cấp 17. Cường độ này tương đương với sức gió cực đại của siêu bão khi áp sát đất liền Philippines ngày 24/9.
Mô hình dự báo này cũng cho thấy đến trưa 28/9, sau 6 tiếng kể từ khi tâm bão vào đất liền Trung Trung Bộ, hình thái này vẫn có thể duy trì cường độ mạnh nhất lên tới 155 km/h, tương đương cấp 13-14.
Nhận định trên tương tự kịch bản mà cơ quan khí tượng Trung Quốc và cơ quan dự báo Hải quân Mỹ đưa ra. Theo đó, các mô hình này dự báo thời điểm tâm bão tiếp cận đất liền Trung Trung Bộ rạng sáng 28/9, sức gió cực đại vẫn đạt cấp 14-15.
Kịch bản này tương đối cực đoan so với dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, đài Nhật Bản cho rằng sức gió mạnh nhất Noru có thể đạt được dao động cấp 14-15, vào khoảng 162 km/h và chiều 27/9 là thời điểm bão mạnh nhất.
Với cường độ trên, bão tiến vào vùng biển từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi và chịu ma sát nên có thể giảm xuống cấp 12-13 khi tiếp cận đất liền khu vực này.
Lý giải về sự khác biệt trên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mô hình của Việt Nam tính cường độ bão theo sức gió trung bình trong 2 phút, trong khi mô hình của Trung Quốc hay Hong Kong tính theo sức gió trong một phút.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, mô hình dự báo của Trung Quốc thường nhận định cường độ bão cao hơn 1-2 cấp so với mô hình trong khu vực. Nhưng với cơn bão này, chúng tôi không loại trừ bất kỳ kịch bản nào”, ông Khiêm cho biết.
Theo dự báo, bão Noru khả năng lưu gió mạnh trên đất liền trong 10-12 tiếng, liên tục từ đêm 27 đến trưa 28/9.
Khu vực đất liền khả năng ghi nhận gió mạnh nhất là ven biển Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng gần tâm bão ở các địa phương này có thể có gió mạnh cấp 12-14, giật cấp 15.
Từ chiều 27/9, mưa lớn được dự báo trút xuống các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Đợt mưa này chỉ kéo dài đến hết ngày 28/9 nhưng với lượng rất lớn, lên tới 300-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm.
Cùng lúc, mưa lớn lan ra khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai với lượng phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 28/9, mưa có xu hướng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và phía nam Đồng bằng Bắc Bộ.