Ngành sản xuất carob, loại quả được ví như vàng đen của Cyprus, đang có dấu hiệu hồi sinh khi nhu cầu thế giới đột ngột tăng mạnh giúp giá tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Với một số người, carob từ lâu bị xem như một sản phẩm thay thế kém hấp dẫn hơn so với chocolate. Nhưng tại Cyprus, quốc đảo nằm giữa Địa Trung Hải, carob được ví như vàng đen, theo AFP.
Vàng đen của Cyprus
Christos Charalambous là một nông dân sống tại thị trấn Asgata, Cyprus. Dù đã ở tuổi 79, ông vẫn thường trèo lên cây carob cao hàng mét để thu hoạch quả.
Những người nông dân tại Cyprus không bỏ phí bất cứ bộ phận nào của quả carob. Lớp vỏ dày màu nâu có thể được ăn sống hoặc nghiền vụn làm si rô, đồ uống hay chất làm ngọt. Hạt của carob thì được dùng trong công nghiệp.
“Carob là một trong số ít loại quả mà chúng ta có thể sử dụng mọi bộ phận của nó”, ông Charalambous nói.
Để hái quả carob, ông Charalambous và cháu trai Christou rung mạnh các cành cây, đồng thời dùng que dài đập vào lớp vỏ những quả carob treo lủng lẳng trên cành, khiến chúng rơi xuống đất như mưa.
Đến đầu tháng 9, sau 3 tuần thu hoạch, gia đình ông đã gom được khoảng 3 tấn quả carob.
“Đây không phải công việc dễ dàng, nhưng giúp gia đình chúng tôi gắn bó với nhau”, Christou nói.
Zygi là một ngôi làng gần thị trấn Asgata. Tại đây, sau khi carob được thu hoạch, nông dân đưa vỏ đã tách hạt tới lò xay. Ngôi làng khởi nguồn là nơi chuyên trồng carob. Cán tên Zygi vốn là đơn vị để đo trọng trượng của quả carob.
Carob là loài cây bản địa tại Zygi cũng như mọi nơi khác trên khắp Cyprus. Các cơ sở sử dụng, chế biến carob là những biểu tượng tiếp nối thời hoàng kim của ngành công nghiệp sản xuất carob thế kỷ 20.
“Carob được biết đến với biệt danh vàng đen của Cyprus bởi nhiều nông dân đã quá quen với loại quả này, sản xuất carob là công việc chính của nhiều người dân”, Stavros Glafkou Charalambous, đại diện Hiệp hội quảng bá carob, nói.
Hiệp hội cho biết đang hợp tác với 1.500-2.000 nhà sản xuất nhỏ lẻ, đa phần họ thu hoạch carob để có thêm thu nhập.
George Pattichis, kiểm lâm về hưu năm nay 75 tuổi, cho biết đã mang carob tới nhà máy ở Zygi hơn nửa thế kỷ qua. Pattichis nói một số cây carob trong khu đất của ông đã có từ thời ông nội.
“Tôi là thế hệ thu hoạch carob cuối cùng, các con tôi làm công việc khác”, ông Pattichis nói.
Năm 2019, khi giá carob khoảng 0,34 USD/kg, sản phẩm này chỉ chiếm chưa đầy 1,5% giá trị nông sản của cả nước, Bộ Nông nghiệp Cyprus cho biết. Năm nay, carob đang được chào bán tại vườn với giá gần 1 USD/kg.
“Tôi sẽ bán cho bất cứ ai mua với giá tốt nhất”, Anastasis Daniel, nông dân sống ở làng Choirokoitia, nói.
Ở trong nhà, ông Daniel đã đóng gói sẵn carob vào các túi để vận chuyển tới nhà máy, chỉ chừa lại một số vừa đủ làm đồ ăn cho đàn gia súc.
Ngành carob hồi sinh
Theo ông Marios Kyriacou, chuyên gia Viện nghiên cứu nông nghiệp Cyprus, nhu cầu toàn cầu về bột carob đang đẩy giá thành của carob lên cao.
Năm ngoái, vỏ và hạt carob xuất khẩu mang về khoảng 8 triệu USD cho Cyprus. Ai Cập là nước tiêu thụ vỏ lớn nhất, trong khi Italy nhập khẩu chủ yếu hạt carob.
Trong thập niên 1960, Cyprus từng là nước sản xuất carob nhiều thứ ba thế giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Costas Kadis cho biết. Sau đó, sản xuất carob giảm mạnh tại Cyprus, nhưng gần đây, việc sản xuất đã khởi sắc trở lại.
“Carob rất quan trọng với Cyprus, loài cây này cần rất ít thuốc trừ sâu, phân bón và nước. Đây là thế mạnh của nó trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Kadis nói.
Cuối năm 2017, Đại học Cyprus lập kế hoạch trồng gần 5.000 cây carob, sau đó cung cấp thêm 28.500 cây giống cho các nông dân quan tâm, AFP cho biết.
Ông Marios Kyriacou, chuyên gia Viện nghiên cứu nông nghiệp Cyprus, cho biết carob là loài cây chống chịu hạn hán mạnh mẽ. Loài này đã được trồng làm lương thực ở Cyprus từ 3.000 năm trước.
“Vỏ quả carob rất giàu đường, nó cũng chứa một loại cồn đường hiếm, được coi là chất chống béo phì hiệu quả”, ông Kyriacou nói.
Kyriacou và nhóm của ông đang nghiên cứu về mã di truyền và các biến thể của loài cây carob tại Cyprus. Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu sẽ có ích khi Cyprus tăng cường sản xuất và chế biến carob để xuất khẩu.
Tại một lễ hội ở làng Anogyra, nơi các quầy hàng bán đủ mọi sản phẩm từ kem cho tới kẹo carob, Andreas Andreou – chủ công ty có tên Polyxenis Carob Products – cho biết si rô carob là mặt hàng mà công ty ông bán chạy nhất.
Trong khi đó, bà Despoula Georgiou, năm nay 61 tuổi, trình diễn cho khách hàng cách làm loại kẹo bơ carob nổi tiếng có tên Pasteli.
“Kẹo được làm chỉ bằng nước ép carob, hoàn toàn không có đường. Tôi đã làm kẹo này được 50 năm, công thức truyền từ mẹ và dì tôi”, bà Georgiou nói.