Các nhà lãnh đạo thế giới vừa cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính và bảo tồn để chống lại cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu đang đe dọa hơn một triệu loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ mới đây, Đức đã cam kết tài trợ 1,5 tỷ euro mỗi năm cho đa dạng sinh học quốc tế – tăng hơn gấp 2 lần so với các cam kết hiện tại.
Các quốc gia sẽ sớm tập trung tại Montreal, Canada để tham gia hội nghị thượng đỉnh quan trọng về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (COP15) vào tháng 12 năm nay nhằm hoàn thiện và thông qua một khuôn khổ để bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng COP15 phải là bước ngoặt cho nỗ lực bảo tồn trên toàn cầu. Với khoản đóng góp 1,5 tỷ euro mỗi năm, Đức mong muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về kết quả tham vọng của COP15 về đa dạng sinh học.
Trong khi Đức cam kết khoản đóng góp lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển, các nước khác đã công bố các chiến lược mới, bao gồm kế hoạch tài trợ cho đa dạng sinh học được Ecuador, Gabon, Vương quốc Anh và những quốc gia khác ủng hộ.
Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cho hay, kế hoạch này kêu gọi đóng góp từ các chính phủ, các thế chế tài chính, lĩnh vực tư, các nhà hảo tâm… để huy động các nguồn lực cho đa dạng sinh học.
Những người tham dự sự kiện cấp cao bên lề, trong đó có Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhắc lại cam kết bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ đất liền và đại dương của nước này trước năm 2030. Theo ông, Canada đang nỗ lực để đạt được cam kết và sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ toàn cầu để đạt được mục tiêu này, cũng như bảo vệ đa dạng sinh học trên khắp hành tinh.
Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới, hiện có khoảng 17% lãnh thổ thế giới được bảo vệ, nhưng chỉ 7% đại dương toàn cầu được bảo tồn một phần và chưa đến 3% được bảo vệ ở mức cao.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh, để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030, thế giới cần chi 967 tỷ USD mỗi năm, cao hơn con số hiện tại là hơn 800 tỷ USD một năm.