Sau khi 230 con cá voi hoa tiêu bị mắc kẹt ở bờ biển phía tây Tasmania, một cuộc chạy đua bắt đầu gần như ngay lập tức để giải cứu càng nhiều càng tốt.
Việc giải cứu những động vật có kích thước lớn hơn ôtô không phải là vấn đề dễ dàng. Một con cá voi hoa tiêu có thể dài 6 mét và nặng tới 2 tấn.
Hôm 21/9, bầy cá voi hoa tiêu gồm 230 con đã bị mắc cạn tại bãi biển Ocean Beach, gần lối vào cảng Macquarie, phía tây hòn đảo Tasmania. Kích thước cơ thể là cản trở rất lớn đối với chính bản thân chúng và lực lượng cứu hộ.
“Chúng nặng đến nỗi khối lượng cơ thể sẽ nghiền nát những cơ quan nội tạng. Việc chúng nằm thẳng hay nghiêng cũng có ảnh hưởng đến cách hô hấp và khả năng hoạt động bình thường của phổi”, Vanessa Pirotta, một nhà khoa học động vật liên kết với đại học Macquarie, cho biết.
Lực lượng cứu hộ có nhiều nhất một hoặc hai ngày trước khi cơ quan nội tạng của những con cá voi hoa tiêu bị hư hại quá mức.
“Đồng hồ bắt đầu tích tắc vào thời điểm xảy ra tình trạng mắc cạn. Nếu chúng mắc kẹt càng lâu, tỷ lệ sống sót về với biển càng tiệm cận con số 0”, tiến sĩ Pirotta nói.
Nỗ lực cứu hộ
Đến cuối ngày 22/9, khoảng 200 con cá voi hoa tiêu đã chết. Nhưng bất chấp những dự đoán tồi tệ nhất, các nhân viên cứu hộ đã thành công trong việc giải cứu 32 con cá voi.
Chúng được đưa ra khơi bằng thuyền do các trang trại cá địa phương cung cấp. Một chiếc thuyền có thể đưa hai con cá voi ra khơi cùng một lúc.
“Chúng được ra biển một cách từ từ, cho đến khi lấy lại được một chút sức khỏe”, Sam Gerrity, một thuyền trưởng địa phương, chia sẻ.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những con cá voi được giải cứu sẽ sống sót. Bị suy yếu từ thời gian mắc cạn, cá voi không phải lúc nào cũng đủ khỏe để đối phó với điều kiện đại dương khắc nghiệt. Thủy triều và dòng chảy có thể đẩy chúng trở lại bờ.
“Chúng có phần bị tổn hại khi được thả ra biển. Chúng ta cần cho chúng một chút thời gian để tập hợp lại”, Kris Carlyon, nhà sinh vật học của Tasmania, nói.
Hành trình ra biển là cơ hội để những con cá voi trấn tĩnh lại sau trải nghiệm căng thẳng cao độ.
“Có thể so sánh nó với buổi hòa nhạc hoảng loạn vì một đám cháy. Mọi người không thể đưa ra quyết định vì căng thẳng cảm xúc”, Olaf Meynecke, nhà nghiên cứu hàng hải tại đại học Griffith, cho biết.
Một số con cá voi sẽ trở lại bờ biển, đặc biệt nếu chúng nghe thấy tiếng kêu từ trên bờ.
“Chúng trải qua căng thẳng và nỗi sợ mất đối tác hoặc bạn bè. Điều đó thực sự lấn át mọi bản năng sinh tồn”, tiến sĩ Meynecke nói.
Đến sáng 23/9, chỉ có một số con cá voi tiếp tục mắc kẹt sau khi được giải cứu trước đó. Điều này có thể được coi là thành công. Một con đã chết trên bãi biển, năm con khác được an tử.
Mắc cạn vì bản năng
Cá voi hoa tiêu sử dụng tiếng vang để định vị và điều hướng. Việc đi vào vùng nước nông gần bãi biển là rất nguy hiểm. Khi một con cá voi kêu cứu, những con khác trong đàn sẽ lao đến bên cạnh và dẫn đến tình trạng mắc kẹt toàn bộ.
Những con cá voi dần hoảng loạn và bối rối, khiến hàng trăm con mắc cạn cùng một lúc. Là loài động vật có tính xã hội cao, cá voi hoa tiêu hình thành mối liên kết rất sâu sắc với họ hàng và bạn bè.
Một khi những con cá voi sống sót được đưa ra biển, các nhân viên cứu hộ tiếp tục phải đối mặt với nhiệm vụ xử lý những con chết trên bờ.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu từ xác cá chết trên bãi biển để chia sẻ với các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.
“Bằng cách nghiên cứu di truyền, chúng ta có thể xem xét những con cá voi có mối liên hệ như thế nào”, David Hocking, một nhà khoa học từ bảo tàng Tasmania, cho biết.
Các nhân viên sử dụng xe kéo để tập hợp xác cá voi vào một khu vực nhất định. Xác cá xếp hàng dài hàng trăm mét với vây hướng lên trời và sợ dây thừng buộc quanh đuôi.
Khi điều kiện thời tiết phù hợp, một chiếc thuyền sẽ kéo hàng chục con cá voi ra biển. Cách bờ biển khoảng 10 km, những con cá voi sẽ được tháo khỏi dây và chìm xuống lòng đại dương sâu thẳm.
Cuộc giải cứu diễn ra tại Strahan, một ngôi làng có khoảng 650 người. Vào hai năm trước, một sự kiện tương tự xảy ra khi 470 con cá voi tự mắc cạn.
Xử lý một vụ mắc kẹt của cá voi đòi hỏi nỗ lực và hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, cho dù là bảo vệ chúng khỏi cháy nắng, đưa chúng trở lại biển hay tiễn chúng về lòng đại dương. Giải cứu được vài chục con cá voi cũng có thể coi là thành công.
“Mọi người đã học được rất nhiều điều từ lần trước”, ông Gerrity thở dài khi nói về vụ mắc kẹt kỷ lục vào năm 2020.